Nhà ở xã hội cho công nhân: Nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu

Nguồn cung nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Nhà ở xã hội cho công nhân: Nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với hơn 70 khu công nghiệp tập trung và thu hút khoảng 1,8 triệu lao động, nhu cầu về nhà ở hiện là vấn đề lớn đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.

Mặc dù các địa phương này đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp nhưng nguồn cung nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nhu cầu nhiều, cung chẳng được bao nhiêu

Hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội ở ba tỉnh, thành trọng điểm kinh tế phía Nam mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực tế của người lao động. Phần lớn công nhân trong các khu công nghiệp đều phải thuê nhà trọ với các điều kiện sinh hoạt không đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ…

Trong bối cảnh đó, trong nhiều năm qua, có hàng chục ngàn hộ gia đình, cá nhân ở Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng nhà trọ để đáp ứng nhu cầu bức thiết của công nhân.

Tuy nhiên, hiện tại, Nhà nước chưa có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ đầu tư xây dựng nhà trọ theo quy cách, quy chuẩn về xây dựng. Vì vậy, phần lớn các khu nhà trọ ở trên địa bàn các tỉnh, thành này đều chưa đảm bảo các tiêu chí về thiết kế thoáng mát, đảm bảo an ninh, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh hiện có hơn 741.000 lao động làm việc tại 31 khu và 37 cụm công nghiệp. Đa số những lao động này đến từ các tỉnh khác (chiếm 60,4%) nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai mới triển khai được một số dự án nhà lưu trú công nhân, đáp ứng được khoảng hơn 40% nhu cầu chỗ ở cho công nhân, còn lại công nhân phải thuê trọ bên ngoài.

Theo ông Chánh, nhờ có khoảng 17.000 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ với quy mô gần 125.000 phòng nên trên 300.000 người lao động mới có được chỗ ở như hiện nay. Tuy nhiên, việc quản lý việc kinh doanh phòng trọ còn nhiều bất cập như xây không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng… nhưng do nhu cầu, các địa phương vẫn linh động áp dụng các chính sách pháp luật cho các nhà trọ tồn tại.

Thực tế cho thấy đến tháng 9/2014, Đồng Nai mới chỉ có 12/38 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với diện tích 24,46 ha, đã xây dựng được 1.385 căn hộ và bố trí chỗ ở cho khoảng 8.100 người, đạt 6,4% so với nhu cầu. Trong số các dự án đã triển khai, có 16 dự án đã bị thu hồi vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu là do thiếu vốn.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp cũng đang là vấn đề rất bức thiết. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố hiện có khoảng hơn 256.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó 70% là lao động nhập cư có nhu cầu về nhà ở.

Ngoài ra, còn gần 1 triệu người lao động ngoài khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, các dự án đầu tư nhà ở xã hội vẫn còn ít, nhất là nhà lưu trú công nhân, do các doanh nghiệp không muốn làm vì chi phí đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm. Các dự án đang triển khai đều bị chậm tiến độ.

Tại Bình Dương, theo khảo sát của các cơ quan chức năng tỉnh, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị có nhu cầu về nhà ở là khoảng 100.000 người. Bình Dương đã kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư 50 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, với tổng diện tích đất quy hoạch là 144ha và dự kiến sẽ xây dựng khoảng 2,9 triệu m2 sàn, tương đương với 72.584 căn hộ. Theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh, đến năm 2015, tỉnh sẽ xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng được 40% nhu cầu.

Tuy nhiên, hiện tại, mới có 5 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Bình Dương được đưa vào sử dụng, với diện tích sàn đạt hơn 347.000m2, tương đương 7.214 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 18.139 người và đạt 69,4% chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh trong giai đoạn 2010-2015.

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, đến năm 2015, khoảng 250.000 công nhân có nhu cầu nhu cầu nhà ở. Tỉnh cũng đã quy hoạch và triển khai 19 dự án, trong đó có 11 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng với diện tích sàn là 140.585m2, tương đương 2.964 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 16.599 người. Các dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân ở Bình Dương đều do Công ty Becamex thực hiện, với giá bán từ 90 đến 140 triệu đồng/căn từ 30m2 trở lên.

Khơi thông nguồn vốn

Các sở xây dựng Đồng Nai và Bình Dương cho hay đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn hai tỉnh này tham gia xây dựng nhà ở xã hội đang thiếu vốn nhưng chưa đủ điều kiện để tiếp cận được gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Theo ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, tỉnh hiện có ba doanh nghiệp đang triển khai các dự án nhà ở công nhân và nhà cho người thu nhập thấp đang chờ được vay từ gói 30.000 tỷ.

Tuy nhiên, có vẻ như các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn đó do điều kiện vay khá cao. Cụ thể, đối với nhà ở xã hội nói chung (gồm nhà ở công nhân) khi vay vốn (gói 30.000 tỷ đồng), ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có 30% vốn tham gia vào dự án, trong khi đa số các doanh nghiệp đi vay đang gặp khó khăn về vốn.

Còn tại một số dự án nhà ở xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù đã được phép chuyển đổi và Bộ Xây dựng có danh sách gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét cho vay nhưng khi thẩm định khả năng tài chính của doanh nghiệp, ngân hàng không cho vay vốn vì doanh nghiệp đang có nợ xấu.

Các tỉnh cho rằng do nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài (từ 20-30 năm), chi phí giải phóng mặt bằng cao và khó khăn trong quá trình thực hiện; cơ chế ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.

Theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm nay, Thành phố sẽ hoàn tất thủ tục để bố trí sử dụng 376 căn nhà ở xã hội đã hoàn thành và 1.397 căn hộ nhà ở tái định cư đã hoàn thành chuyển sang nhà ở xã hội. Thành phố tiếp tục đẩy nhanh thi công các dự án đã khởi công, khởi công mới và sắp khởi công.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế chính sách đối với các dự án nhà ở xã hội, theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ ổn định lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở 3%/năm đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, thời gian cho vay 15 năm.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở; sớm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, tạo nguồn tài chính cho các cá nhân vay để thuê, thuê mua, mua nhà ở hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; cho các doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa phương…

Đối với phát triển nhà ở công nhân trên địa bàn các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, Sở Xây dựng của các tỉnh này đề xuất các đơn vị chức năng cần có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án nhà ở công nhân như cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân vay vốn ưu đãi với lãi suất 0%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục