Nhà sáng chế của năm: "Tôi day dứt vì người bệnh"

Cảm thông nỗi đau đớn, bất tiện của người bệnh khi nằm một chỗ, Nguyễn Long Uy Bảo đã tạo ra giường đặc biệt cho bệnh nhân bất động.
Chứng kiến sựbất tiện cũng như nỗi đau đớn của các bệnh nhân phải nằm bất động trên giường bệnh, anh Nguyễn Long Uy Bảo đã nảy ra ý tưởng tạo ra chiếc giường bệnh đặc biệt để có thể giảm bớt khó khăn trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Sản phẩm đột phá và có tính ứng dụng cao này đã giúp anh Nguyễn Long Uy Bảo, sinh năm 1970, sống tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, đăng quang danh hiệu “Nhà sáng chế của năm” 2013. Từng là sinh viên khoa Luật Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), anh Nguyễn Long Uy Bảo đã bất ngờ từ bỏ giảng đường đại học để theo đuổi một con đường khác, Nguyễn Long Uy Bảo thực sự gây ấn tượng cho khán giả trong chương trình truyền hình Nhà sáng chế 2013 với những tâm sự giản dị và khiêm nhường. Anh đã nhiệt tình chia sẻ với PV Vietnam+ về ước mơ của mình. - Cảm xúc của anh sau khi nhận danh hiệu “Nhà sáng chế của năm” 2013 như thế nào?Uy Bảo: Tôi thực sự bất ngờ và hạnh phúc và tôi nghĩ rằng bất cứ sản phẩm nào vào được đến chung kết cũng đều xứng đáng với danh hiệu này. - Sáng chế của anh vượt qua nhiều tiêu chí như có quy trình sáng chế an toàn, thân thiện với môi trường, tính đột phá, thẩm mỹ, hợp quy... của Hội đồng Ban giám khảo, phải chăng trước đây anh đã từng học qua trường lớp đào tạo về cơ khí hay kỹ thuật?Uy Bảo: Thực tế, tôi chưa học qua bất cứ trường lớp đào tạo nào về cơ khí hay kỹ thuật mà chỉ tự học, tự làm, tự mày mò mà thôi. - Vào đại học là mơ ước của bao người, lý do gì khiến anh rời giảng đường đại học? Uy Bảo: Tôi mất 2 năm học ngành mà mình không có một chút đam mê hay mong muốn thành nghề. Với cá nhân tôi, đó là một sai lầm, để không muốn mất thời gian vô ích thêm nữa, tôi quyết định bỏ học. Có thể nhiều người nghĩ tôi có “vấn đề” nhưng đấy là quan điểm của tôi. - Đứng trước quyết định “động trời” này, gia đình anh đã phản ứng như thế nào?Uy Bảo: Gia đình tôn trọng quyết định của tôi dù tôi biết họ cũng rất buồn. Nhưng bù lại, tôi bắt đầu lao vào làm ăn và bén duyên với nghề cơ khí. Hiện tôi đã là chủ của một cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy. - Điều gì khiến anh nảy ra ý tưởng tạo sản phẩm giường đặc biệt hỗ trợ những bệnh nhân bất động?Uy Bảo: Từ tai nạn xe máy của chính tôi cách đây 14 năm. Tôi bị gãy một chân, phải bó bột và đa chấn thương khác. Trong lúc nằm viện, tôi quan sát thấy sự bất tiện của người bệnh khi phải nằm một chỗ, họ vô cùng đau đớn khi phải nhúc nhích trong lúc thay ga giường. Đặc biệt là đối với người bệnh bất động thì việc làm vệ sinh cho họ là điều rất khó khăn, cho cả bệnh nhân lẫn người chăm sóc. Lúc đó tôi tự hỏi rằng, có cái giường nào mà khi thay ga có thể không cần phải nâng người bệnh hay thậm chí, trong lúc họ đang ngủ hay không? Cho đến năm 2003, khi bà nội tôi mất do hoại tử vì nằm một chỗ quá lâu thì tôi mới thực sự có động lực để thực hiện ý tưởng này.
Nhà sáng chế của năm: "Tôi day dứt vì người bệnh" ảnh 1
Chân dung "Nhà sáng chế của năm" 2013: Nguyễn Long Uy Bảo (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
- Từ ý tưởng đến hiện thực là cả một quãng đường mà không phải ai cũng đi đến đích, cuộc hành trình của anh diễn ra như thế nào?Uy Bảo: Đây là một ý tưởng hoàn toàn mới, lúc đầu tôi còn nghĩ, thật phi lý khi không nâng người bệnh thì làm sao thay cái ga dưới họ được. Ý tưởng cứ thế luẩn quẩn trong đầu tôi và phải mất đến 3 năm tôi mới nghĩ ra được giải pháp cho vấn đề này, đó là nguyên lý cài răng lược. - Mất 5 năm để hiện thực ý tưởng và thêm 2 năm hoàn thiện sản phẩm, trong suốt thời gian đó, anh đã gặp những khó khăn gì?Uy Bảo: Khó khăn không biết bao nhiêu cho kể nhưng cái khó đầu tiên là về kinh tế, tôi vừa làm kinh doanh vừa đầu tư thực hiện ý tưởng. Trong quá trình làm, tôi đã thực hiện hơn 10 mẫu giường, thử rồi sai, làm rồi bỏ, tốn kém hàng trăm triệu đồng. Chưa biết sẽ thành công ở đâu nhưng trước mắt tôi đã phải đổ rất nhiều tiền, chưa kể tôi còn phải nuôi vợ nuôi con, nhưng tôi chấp nhận để đạt được điều mình ấp ủ. Khó khăn cũng đến khi mình tự hoài nghi về bản thân. Thời điểm từ khi xuất hiện ý tưởng đến quãng thời gian thực hiện chưa thành công sản phẩm, tôi dồn rất nhiều tâm sức, tập trung cao độ, lúc nào cũng đau đáu khiến chính bản thân nhiều lúc sinh nghi ngờ, rằng mình có quá bị ám ảnh hay hoang tưởng không? Tôi nghĩ, nếu mình phát kiến ra được sản phẩm này thì khéo có người đã làm rồi và tôi đã bỏ qua những điều đơn giản. Cũng có lúc nản, lúc muốn thôi, nhưng ý tưởng đó đã nằm trong đầu tôi rồi, không sao bỏ được.
Nhà sáng chế của năm: "Tôi day dứt vì người bệnh" ảnh 2
Anh Nguyễn Uy Bảo Long giới thiệu sáng chế của mình trong chương trình chung kết Nhà sáng chế. (Ảnh: BTC)
- Được đánh giá cao về tính ứng dụng và thương mại hóa từ chương trình Nhà sáng chế, sản phẩm của anh đã xuất hiện trên thị trường chưa và nếu có thì giá bán như thế nào?Uy Bảo: Thật may mắn, sản phẩm của tôi nhận được sự quan tâm từ nhiều khách hàng cá nhân. Tôi đã bước đầu đưa sản phẩm ra thị trường nhưng mới chỉ ở hình thức đơn đặt hàng đến đâu làm đến đấy. Giá thành chiếc giường hiện giờ chưa đến 10 triệu. Tôi đã bán được hơn 100 chiếc. - Đây là sản phẩm mà khách hàng chủ yếu là bệnh nhân, vậy anh có dự định giới thiệu sản phẩm tới các bệnh viện không?Uy Bảo: Tôi chưa tự tin lắm về điều này. Tôi muốn tiếp tục cải biến sản phẩm giường sao cho phù hợp nhất, gần với các sản phẩm dành cho bệnh nhân trên thị trường, hoàn thiện thêm những quy chuẩn của y tế, tiến tới giới thiệu sản phẩm tại các bệnh viện. Dự kiến tôi sẽ phát triển thêm bộ rung mát xa, tự động hẹn giờ nâng lên hạ xuống các vạt giường nhằm chống tê mỏi lưng cho người dùng và phát triển thương hiệu riêng, sản xuất chuyên nghiệp hơn để giảm giá thành cho sản phẩm. - Cảm ơn anh về những chia sẻ vừa rồi./.
Chiếc giường đặc biệt dành cho bệnh nhân bất động do anh Nguyễn Long Uy Bảo sáng chế có kích thước tiêu chuẩn y tế (1,9 x 0.9x 0,54m) như các loại giường bệnh thông thường. Chiếc giường hoàn toàn sử dụng phương pháp cơ học đơn thuần và có thể thao tác vào bất cứ lúc nào trong ngày.

Cấu tạo của giường bao gồm: thân giường, vạt giường, nệm, ga có kết cấu riêng. Theo đó, vạt giường được chia thành hai phần theo nguyên tắc cài răng lược đan vào nhau thay vì một khối hoặc nan liền như chiếc giường thông thường, căn cứ theo đó là ga và nệm tương ứng.

Ga giường được mô phỏng theo kiểu chụp vào răng lược (nan giường) như chiếc găng tay, còn nệm sẽ thanh bọc khớp với từng nan vạt giường. Trong quá trình vệ sinh và thay ga phần vạt này, bệnh nhân vẫn nằm cố định trên phần vạt kia bằng cách vặn ốc cho từng vạt giường hạ xuống. Nhờ đó, việc chăm sóc bệnh nhân trở nên dễ dàng, chỉ cần một người cũng có thể thay ga giường mà bệnh nhân không cần di chuyển.

Ngoài ra, chiếc giường có thể tạo khe luân phiên khi hạ các vạt giường giúp cơ thể bệnh nhân được thông thoáng với thao tác thực hiện đơn giản, nhanh chóng.

Sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế độc quyền thuộc sự bảo hộ của Cục sở hữu trí tuệ có giá trị trong 20 năm.
Quỳnh Trang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục