Nhà sáng lập WikiLeaks "muốn cải cách Australia"

Người sáng lập WikiLeaks, Assange, khẳng định sẽ trở thành một người cải cách tự do nếu thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện Australia.

Ngày 27/3, người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange đã khẳng định sẽ trở thành một người cải cách tự do và tuyên bố phải xây dựng một chính quyền cởi mở hơn nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện Australia.

Assange, hiện đang được tại ngoại hầu tra ở Anh khi ông kháng án một lệnh dẫn độ về Thụy Điển do cáo buộc xâm hại tình dục, đã tuyên bố kế hoạch ra tranh cử vào đầu tháng này. Trong một bài phỏng vấn với báo Australia Sydney Morning Herald, Assange, một công dân Australia, nói ông sẽ trở thành “người bảo vệ quyết liệt cho tự do truyền thông.”

Assange, đã thiết lập trang mạng chuyên tiết lộ thông tin mật WikiLeaks, cũng cam kết sẽ sử dụng quyền miễn trừ với dân biểu để chống lại những áp bức của ngành tư pháp và “các hạn chế cực đoan” khác với tự do tiếp cận thông tin.

Chính phủ Australia trước đó đã chỉ trích WikiLeaks, khi Thủ tướng Julia Gillard cho rằng việc trang mạng này tiết lộ các công hàm ngoại giao của Mỹ là “hết sức vô trách nhiệm.”

Assange nói với tờ The Herald rằng những chỉ trích từ bà Gillard đã trực tiếp đẩy ông đi đến quyết định ra tranh cử một ghế ở Thượng viện.

Ông cho rằng “có rất nhiều điều sai trái” trong nền chính trị Australia hiện giờ, đặc biệt là “tình trạng chủ nghĩa bè phái ngày càng gia tăng” và “sự phản bội các quyền và lợi ích của người dân bởi những kẻ trong nghề chính trị, hành động vì lợi ích bản thân.”

WikiLeaks cũng tuyên bố sẽ đưa ứng viên ra tranh cử trực tiếp với bà Gillard ở khu vực bầu cử hạ viện tại Lalor, bang Victoria, trong các cuộc bầu cử vào năm 2013.

Mỗi bang của Australia có 12 thượng nghị sĩ đại diện trong nhiệm kỳ sáu năm. Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cho khoảng 40 ghế trống thường được tổ chức cùng lAustralia với tổng tuyển cử toàn quốc cho Hạ viện.

WikiLeaks thông báo hiện ông Assange đang cân nhắc xem sẽ ra tranh cử ở bang nào. Ông có một số lựa chọn vì đã sống ở các bang Victoria, New South Wales và Queensland.

Báo The Herald nói Assange xem xét “mọi khả năng” bao gồm tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, tìm kiếm liên minh với một đảng chính trị, hoặc tự thành lập đảng của mình.

Assange kiên quyết phủ nhận các cáo buộc tội xâm hại tình dục, cho rằng những lệnh truy tố từ Thụy Điển có động cơ chính trị và liên hệ với các hoạt động của WikiLeaks, tổ chức đã xuất bản nhiều tài liệu mật của Mỹ lên internet. Assange lo sợ nếu bị dẫn độ sang Thụy Điển, ông có thể tiếp tục bị dẫn độ sang Mỹ, nơi ông đối mặt với các cáo buộc làm rò rỉ thông tin mật và tình báo./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục