Nhà Trắng "lên tiếng" về cuộc khủng hoảng kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ

Nhà Trắng cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ là một hành động “đáng tiếc.”
Nhà Trắng "lên tiếng" về cuộc khủng hoảng kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhà Trắng ngày 15/8 cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ là một hành động “đáng tiếc” và một lần nữa kêu gọi Ankara ngay lập tức thả mục sư Andrew Brunson.

Nhà Trắng cũng đã biện hộ cho một loạt các mức thuế mới và các lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, các yếu tố đã khiến đồng lira tuột dốc “thảm hại” và buộc các nhà quản lý phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế các dòng vốn chảy khỏi nước này.

Phát ngôn viên của Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết các mức thuế mà Mỹ đánh vào Thổ Nhĩ Kỳ là để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, còn các mức thuế của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là để trả đũa Washington.

Bà Sanders cho biết kể cả khi ông Andrew Brunson được phóng thích, Mỹ vẫn sẽ giữ nguyên thuế thép, và chỉ xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ được ban hành liên quan đến việc Ankara bắt giữ vị mục sư này.

[Thổ Nhĩ Kỳ tăng thuế mạnh với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ]

Khi được hỏi về tác động của tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đối với đồng lira, người phát ngôn của Nhà Trắng cho biết Washington đang “theo dõi tình hình” nhưng bà cho rằng những vấn đề kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ là một phần trong xu hướng dài hạn do chính nước này gây ra, chứ không phải là kết quả của bất kỳ hành động nào từ phía Mỹ.

Những căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến đồng nội tệ lira của nước này rơi xuống mức thấp kỷ lục và giảm hơn 40% giá trị so với đồng USD tính từ đầu năm tới nay.

Trong phiên 14/8, đồng lira đã hồi phục nhẹ và giao dịch ở mức 6,4 lira đổi 1 USD và 7,26 lira đổi 1 euro, sau khi Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ thực hiện nhiều biện pháp bình ổn thị trường, bao gồm việc tăng tính thanh khoản cho đồng tiền này.

Song giới chuyên gia cho rằng phản ứng này chỉ là nhất thời khi vẫn còn những lo ngại về nguy cơ cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ “lây lan” ra các thị trường tài chính trên toàn cầu, nhất là các nền kinh tế mới nổi.

Trước đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/8 cho biết nước này đã tăng thuế lên gấp đôi đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như một biện pháp nhằm đáp trả các động thái “gây hấn” của Washington.

Cụ thể, sắc lệnh do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký ban hành nâng mức thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ như ôtô con lên 120%, đối với sản phẩm đồ uống có cồn lên 140% và thuốc lá lên 60%. Ngoài ra, Ankara cũng tăng gấp đôi thuế đối với một số mặt hàng khác bao gồm mỹ phẩm, gạo và than đá.

Động thái trên được đưa ra trong lúc căng thẳng giữa Washington và Ankara leo thang liên quan đến vụ mục sư người Mỹ Brunson bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ với cáo buộc mục sư này có quan hệ với một nhóm mà chính quyền Ankara cho là khủng bố.

Để trả đũa, Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu tuần trước (10/8) đã quyết định tăng thuế đánh vào các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hồi đầu tuần cũng tuyên bố rằng nước này sẽ tẩy chay hàng điện tử của Mỹ nhằm trả đũa việc Washington áp đặt trừng phạt và tăng thuế hàng xuất khẩu của Ankara vào thị trường Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục