Nhà Trắng: Sắc lệnh cấm nhập cảnh không chống người Hồi giáo

Chính phủ Mỹ đã phản bác những cáo buộc cho rằng mục đích của lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump này là nhằm chống lại người Hồi giáo.
Nhà Trắng: Sắc lệnh cấm nhập cảnh không chống người Hồi giáo ảnh 1Người dân biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington, DC ngày 11/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên điều trần về sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump tại tòa án phúc thẩm khu vực Richmond, bang Virginia, Chính phủ Mỹ đã phản bác những cáo buộc cho rằng mục đích của lệnh cấm này là nhằm chống lại người Hồi giáo.

Phiên điều trần diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang tìm cách khôi phục lại các sắc lệnh cấm nhập cảnh sau khi những nỗ lực ngăn người dân từ một số nước Hồi giáo vào Mỹ liên tục bị các thẩm phán chặn lại.

Mục đích chính của lệnh cấm này có ý nghĩa quyết định tính hợp pháp của nó do Hiến pháp Mỹ nghiêm cấm sự phân biệt tôn giáo.

Những người phản đối ông Trump nhấn mạnh người Hồi giáo chính là mục tiêu của lệnh cấm, trong khi Nhà Trắng khẳng định động cơ của việc này là xuất phát từ những quan ngại về an ninh quốc gia, một lĩnh vực mà các Tổng thống Mỹ có quyền hạn rộng lớn.

[Mỹ: Thị thực cấp cho công dân bảy nước Hồi giáo giảm mạnh]

Phát biểu trước các thẩm phán của Tòa án phúc thẩm số 4, ông Jeffrey Wall, quyền Tổng biện lý sự vụ Mỹ, khẳng định Tổng thống Trump chưa bao giờ có ý định dùng lệnh cấm để phân biệt đối xử đối với bất cứ tôn giáo nào.

Tổng thống Trump cũng đã phát biểu rõ ràng rằng ông không đề cập đến người Hồi giáo trên cả thế giới, do đó đây không phải là lệnh cấm người Hồi giáo.

Tuy nhiên, luật sư của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ Omar Jadwat​ cho rằng chính ông Trump đã nói ông muốn cấm mọi người Hồi giáo trong một khoảng thời gian trong khi cân nhắc việc tăng cường siết chật nhập cư.

Do tầm quan trong của vụ việc, lần đầu tiên trong 1/4 thế kỷ, toàn bộ thẩm phán tòa án phúc thẩm tại Richmond đã xem xét luận cứ, thay vì một hội đồng thẩm phán gồm 3 người như thông lệ. Phiên điều trần có sự tham gia của 13 trên tổng số 15 thẩm phán.

Hai người còn lại không tham gia do xung đột lợi ích, trong đó thẩm phán J. Harvie Wilkinson​ là bố vợ của ông Wall.

Tòa án trên hiện có 9 thẩm phán do các Tổng thống của đảng Dân chủ bổ nhiệm, bao gồm cả Tổng thống Barack Obama.

Các thẩm phán đã chất vấn ông Wall về việc liệu Tổng thống Trump có hành động mang tính "không trung thực" không, khi ra lệnh cấm nhằm vào người Hồi giáo dưới danh nghĩa ngăn ngừa khủng bố.

Họ cho rằng bình luận và biểu hiện của ông Trump khi ký sắc lệnh thứ hai cho thấy ông muốn những người ủng hộ ông biết rằng ông đang nhằm vào người Hồi giáo.

Thẩm phán Barbara Keenan​ cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump phải mang tính bao quát và không có sự phân biệt.

Ngoài ra, các phẩm phán cũng chất vấn luật sư Jadwat về việc liệu một sắc lệnh tương tự của một tổng thống không đưa ra bình luận chống người Hồi giáo thì có thể chấp nhận được hay không, và liệu một tổng thống có nên nhận được sự tôn trọng trong quyết định về các vấn đề an ninh nay không.

Ngày 27/1 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký Sắc lệnh cấm người dân từ 7 quốc gia (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) vào Mỹ trong 90 ngày, song vấp phải sự phản đối của các tòa án liên bang.

Đến ngày 16/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ đã sửa đổi Lệnh cấm này, rút Iraq khỏi danh sách, song cũng nhanh chóng bị các tòa án ở Maryland​ và Hawaii phong tỏa.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng khẳng định Sắc lệnh trên nhằm bảo đảm an toàn cho người Mỹ trước các cuộc tấn công khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục