Nhà trọ công nhân: Thiếu thốn đủ đường

Ở TP.HCM có gần 70% nhà trọ tự phát chưa đảm bảo về phòng cháy chữa cháy và chỉ có hơn 20% đảm bảo tiện nghi sinh hoạt tối thiểu.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 37.000 doanh nghiệp với gần 900.000 công nhân, trong đó khoảng 30% đang làm việc trong các khu công nghiệp-khu chế xuất.

Hiện nay, hầu hết lượng công nhân này đến từ các tỉnh và đang ở trong những khu nhà trọ công nhân tự phát do người dân xây để cho thuê.

Thiếu nhà trọ chuẩn

Nằm sâu trong một con đường đất đỏ cạnh khu công nghiệp Tân Bình, dãy nhà trọ dành cho công nhân của gia đình bà Tâm ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú lúc nào cũng ken cứng người ở.

Do giá cho thuê mềm, bà chủ dễ tính, chịu cho công nhân thiếu tiền nhà… nên nhiều công nhân, đặc biệt là công nhân nữ ở khu công nghiệp Tân Bình thích tìm đến đây thuê nhà.

Những căn phòng chỉ khoảng hơn 10m2, chen chúc nhau 4-5 người, có một góc nhỏ xíu dành làm nhà bếp. Đồ đạc trong phòng chất đống hoặc treo lơ lửng trên tường. Bắt gặp ánh nhìn ái ngại của chúng tôi, chị Hạnh quê ở Thái Bình bối rối: "Tụi em chỉ cần có 1 chỗ ngả lưng để ngủ thôi anh à."

Theo số liệu kiểm tra của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, có 18.364 hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê, với tổng diện tích xây dựng hơn 1,2 triệu m2, đáp ứng khoảng 94% chỗ ở tập trung cho người lao động tại các quận 5, 6, Thủ Đức, Gò Vấp… Giá thuê phòng (12-16m2) bình quân 500.000 đồng/phòng 4 người.

Hầu hết các khu nhà trọ không có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, không xin phép xây dựng… Đặc biệt, gần 70% nhà trọ tự phát chưa đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy và chỉ có hơn 20% đảm bảo tiện nghi sinh hoạt tối thiểu.

Giáp ranh với nhiều khu công nghiệp sầm uất nhất của tỉnh Bình Dương, địa bàn quận Thủ Đức có 4 cụm công nghiệp thu hút hàng vạn công nhân đến làm việc và sinh sống. Từ năm 2006 đến nay, thực hiện việc kiểm tra cấp giấy phép cho các hộ kinh doanh nhà trọ, đến nay quận chỉ mới cấp 94 giấy, chiếm tỷ lệ chưa tới 2%. Nguyên nhân là do các hộ không đảm bảo về mật độ xây dựng, kích thước phòng, tiện nghi sinh hoạt… không đúng theo quy định.

Các ngành chung tay

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: "Biện pháp tháo gỡ khả thi nhất hiện nay là khuyến khích doanh nghiệp ở các khu công nghiệp-khu chế xuất tự lo xây dựng chỗ ở cho người lao động."

Thực tế, 3 năm qua, ý thức vấn đề "an cư lạc nghiệp" của công nhân, rất nhiều doanh nghiệp quyết tâm xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Tuy nhiên đến nay kết quả vẫn rất khiêm tốn. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng mới có hơn 75.000m diện tích sàn xây dựng hoàn thành, đáp ứng khoảng 5% chỗ ở.

Theo ông Hùng, ngoài những chính sách ưu đãi, thời gian tới thành phố sẽ khen thưởng cho các doanh nghiệp và cá nhân tự đầu tư xây dựng chỗ trọ cho công nhân, quy mô từ 50 phòng trở lên, từng bước đưa công tác quản lý các nhà trọ tự phát đi vào nề nếp.  Theo đó các quận, huyện sẽ cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh không phép, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.

Ông Vương Phước Thiện, Phó ban Tuyên giáo - Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Liên đoàn đang kết hợp với Quỹ Phát triển nhà của thành phố nghiên cứu quy chế cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng mới hoặc sửa chữa lại nhà trọ theo quy định.

Trước mắt, sẽ tạo điều kiện cho những hộ dân có nhà đất kế cận các khu công nghiệp-khu chế xuất vay tiền xây dựng nhà trọ rồi cho doanh nghiệp thuê lại làm nhà lưu trú cho công nhân.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng giá thuê nhà lưu trú "trên trời" chưa phù hợp với mức thu nhập của người lao động trong thời gian qua, thành phố cũng giao cho Liên đoàn và Sở Lao động, Thương binh-Xã hội khảo sát thực tế, từ đó tham gia đề xuất mức giá thuê phù hợp, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và công nhân./.

Tin Tức (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục