Nhà văn Băng Sơn - Thắp lửa tình yêu Hà Nội

Tiễn nhà văn Băng Sơn về với đất, người ta nhớ về Hà Nội và càng nhớ về ông - người thắp ngọn lửa tình yêu với tinh hoa của Hà Nội.
Từ lâu, tên tuổi nhà văn Băng Sơn đã gắn với những gì thuộc về "tinh hoa của Hà Nội:" Những đường phố, những món ăn, thói quen, tính cách của dân Tràng An… Vì thế, vào giây phút tiễn biệt ông trở về với đất, người ta nhớ về Hà Nội và càng nhớ nhiều về ông. Những là "Thú ăn chơi người Hà Nội," "Đường vào Hà Nội," "Dòng sông Hà Nội," rồi "Phập phồng Hà Nội," "Hà Nội 36 phố phường"...

Thắp lửa cho tình yêu Hà Nội

Hà Nội sẽ nhớ ông vào dịp Đại lễ này, và còn những năm tháng sau đó nữa. Một người đã đưa Hà Nội vào văn, tiếp sau những áng văn tuỵệt vời về Hà Nội của Thạch Lam, Nguyễn Tuân… Một người đã góp phần thắp lên ngọn lửa yêu thương trong tim những người con Hà Nội.

Hãy nghe những dòng lưu bút của các độc giả viết cho nhà văn thân quen của họ.

"Tôi sinh ra và lớn lên ở ngoại thành Hà Nội, có một tình yêu đặc biệt với mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Tôi yêu Hà Nội bởi chính lịch sử của nó. Và một người đã tiếp thêm lửa cho tình yêu đó, ấy là nhà văn Băng Sơn.

Tôi hiểu thêm về Hà Nội qua những tác phẩm của ông, rất sâu sắc nhưng lại rất đời thường, và gần gũi biết bao. Tôi chưa một lần gặp ông, nhưng cảm thấy như chẳng có gì xa lạ mỗi khi ông xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và nói về Hà Nội, nhất là khi ông nói về các món ăn của Hà Nội, rất tuyệt vời! Đến lúc này tôi vẫn chưa tin được là ông đã ra đi trước thềm Hà Nội và cả nước đang hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Có một sự nuối tiếc trong tôi." (Nguyễn Thị Thu Hà).

"Tôi không phải dân văn, nhưng cũng rất thích một chút văn chương nên tôi hay đi lang thang vào các hiệu sách để mua sách vào những lúc rảnh rỗi, trong số đó tôi khá ấn tượng và thích thú với cuốn "Thú ăn chơi người Hà Nội" của nhà văn Băng Sơn. Qua cuốn sách của ông, tôi thấy yêu Hà Nội hơn, thấy Hà Nội đẹp hơn, một nét đẹp nhẹ nhàng, tinh tế.

Với chất văn của ông, khiến người đọc có cảm giác khoan thai, suy tư như chính ông đang suy tư về Hà Nội, tựa như ta ngồi nhâm nhi ly cà phê vào sáng sớm vậy. Nhờ cuốn sách, bài viết, chất văn của ông, tính cách, lối sống, lời ăn tiếng nói của tôi đều đã thay đổi, để tạo nên nét thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội.

Đúng như Bacon nói: "Một giọt mực có thể làm vạn người suy nghĩ. Một cuốn sách hay có thể thay đổi số phận biết bao người," chính cuốn sách của ông đã khiến cả tôi và bao độc giả khác đã thay đổi, một sự thay đổi cần thiết để trở thành một con người tốt đẹp hơn, giàu nhân văn hơn... Khi nghe tin nhà văn ra đi, tôi thấy nuối tiếc, lòng mình có cái gì bị mất mát. Sau ông, không biết còn ai sẽ viết về Hà Nội, ai sẽ là người tiếp bước ông để giữ lại, viết về những khoảnh khắc đẹp, những nét đẹp của Hà Nội?" (Nguyễn Hữu Dũng).

Có lẽ, không cần phải nói nhiều hơn về giá trị của những áng văn về Hà Nội mà nhà văn Băng Sơn đã viết trong suốt cuộc đời dài 78 mùa xuân của mình. Với Hà Nội, ông gần như đã gắn bó cả một đời, dù sinh ra ở Cẩm Giàng (Hải Dương) và quê thì lại ở huyện Bình Lục (Hà Nam).

Bạn bè ông kể, khi còn khỏe mạnh, ngày nào cũng vậy, ông cứ đi, cứ lang thang, uống cà phê, ngắm nhìn gốc cây, con phố... và viết về Hà Nội mà "không biết chán, không thấy cạn vốn, cũng chẳng hề thấy mòn văn."

Với ông, Hà Nội như máu thịt, không thể tách rời, khiến ông không thể xa quá được một tuần. Bảy tháng qua, dù phải vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo, nhưng tâm trí của ông vẫn ngập tràn hình ảnh Hà Nội. (ông bị tai biến từ hôm 23 tháng Chạp và nằm viện suốt mấy tháng trời. Gần đây, gia đình mới đưa ông về nhà để gần gũi với con cháu. Sáng 3/9, sau khi ăn sáng xong, ông ra đi rất nhẹ nhàng, trong sự quây quần của người thân - PV).

Ông tâm sự với bạn bè rằng nếu còn sống, sẽ còn tiếp tục viết, và viết về Hà Nội, nơi ông đã sống, đã rất yêu và "đã từ lâu xem như là máu thịt của mình...”

3.000 tùy bút, tản văn cho một tình yêu lớn

Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn, sinh ngày 18/12/1932. Mảnh đất Hà thành là nơi ông bắt đầu với nghiệp văn chương.

Từ năm 1949, khi còn đang là học sinh, ông đã có nhiều bài thơ, văn xuôi được đăng báo. Rời ghế nhà trường, ông lại quay sang viết kịch, làm báo cho đến khi về hưu.

Nhà văn Băng Sơn nổi tiếng là cây bút chuyên viết về Hà Nội với tất cả tâm huyết. Những trang viết của ông thấm đẫm chất thơ và tình yêu Hà Nội, với những kiến thức đầy lý thú về mảnh đất kinh kỳ, qua sự "công phu đào sâu vào từng góc nhỏ của xã hội" của một con mắt tinh tế, giàu cảm xúc.

Hàng loạt các tác phẩm viết về Hà Nội của ông đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Ông từng nhận được nhiều giải thưởng như giải Hội Nhà văn Việt Nam về thiếu nhi; Giải  thưởng viết về "Hà Nội nghìn năm" của báo Hà Nội mới; Giải kịch bản văn học của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Giải thưởng văn học của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; Giải thưởng về bút ký của Hội Nhà báo Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp văn hóa và còn rất nhiều giải thưởng khác.

Yêu Hà Nội từ trong "máu thịt," nên ngay từ khi còn rất trẻ, Băng Sơn đã có thú vui là lang thang ngoài đường, ngắm nhìn Hà Nội. Ông nhớ và biết rất rõ từng con phố của Hà Nội dài, ngắn thế nào, những ngôi nhà khác nhau ra sao, trong nhiều ngôi nhà, ông còn nhớ cả những ai đang ở trong đó, họ là người như thế nào... Tất cả những gì thuộc về Hà Nội, của Hà Nội dường như đã lọt hẳn vào trong trí não, tâm hồn, con người ông.

"Kết quả" của những lần lang thang ấy cuối cùng cũng đã mang lại cho ông hàng loạt các tác phẩm viết về Hà Nội, đó là "Thú ăn chơi người Hà Nội" (4 tập), "Đường vào Hà Nội," "Dòng sông Hà Nội," "Phập phồng Hà Nội," "Hà Nội 36 phố phường"...

Từng bắt đầu với thơ ca, nhưng rồi nhận ra sở trường tản văn của mình, và từ đó nhà văn Băng Sơn chỉ dồn tâm huyết cho tản văn và tùy bút. Tùy bút Băng Sơn luôn giàu chất thơ, tiết tấu nhẹ nhàng như một giai điệu trữ tình sâu lắng.

Theo tính toán sơ sơ, số lượng tùy bút và đoản văn của nhà văn Băng Sơn tính ra phải tới khoảng 3.000 tác phẩm, trong đó theo như ông cho biết có tới 95% đã được đăng tải hoặc in tuyển tập, nhất là các tùy bút viết về Hà Nội...

Giờ đây, con số 3.000 sẽ dừng lại với sự ra đi của ông.  Nhưng "người tình" lớn của Hà Nội sẽ vẫn còn tiếp tục thắp lên những tình yêu với Hà Nội trong tim các độc giả của ông./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục