Nhà văn mở ra chương mới cho điện ảnh Trung Quốc

Trong bối cảnh điện ảnh Trung Quốc phát triển vượt bậc, các nhà làm phim đang tìm những tác phẩm văn học chuyển thể để tạo cảm hứng.
Tiểu thuyết gia hàng đầu Trung Quốc Nghiêm Ca Linh (Geling Yan) đã trở thành một gương mặt quen thuộc với khán giả điện ảnh cả trong và ngoài nước.

Nhưng Nghiêm có lẽ cũng không ngờ được sự chú ý mà cô nhận được kể từ khi đạo diễn điện ảnh Trương Nghệ Mưu chọn một trong những tiểu thuyết của cô để chuyển tải thành bộ phim "Kim lăng thập tam thoa" (The Flowers of War) - bộ phim bom tấn gây tiếng vang nhất ở các rạp Trung Quốc trong 12 tháng qua.

Nói về bộ phim mới, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên về vụ thảm sát của quân đội Nhật tại Nam Kinh năm 1937, Nghiêm bày tỏ:  “Được thấy tác phẩm của mình trở thành một tác phẩm điện ảnh lớn khiến tôi rất hạnh phúc, một cú sốc đầy thích thú. Tôi thấy rất vui, đương nhiên là thế, và bộ phim sẽ giúp giới thiệu tác phẩm của tôi tới một nhóm khán giả hoàn toàn mới. Bất cứ tiểu thuyết gia nào trên thế giời đều muốn thế.”

Trong bối cảnh nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đang phát triển vượt bậc và lập hàng loạt kỷ lục mới, các nhà làm phim đang tìm kiếm những tác phẩm văn học chuyển thể để tạo ra cảm hứng cho họ.

Doanh số của ngành điện ảnh Trung Quốc ước tính vào khoảng 13,1 tỷ Nhân dân tệ (2,07 tỷ USD) vào năm 2011, tăng 29% so với năm trước, và khoảng 2.500 rạp phim mới dự kiến sẽ được khai trương trên cả nước trong năm nay.

Chính quyền Trung Quốc áp đặt hạn ngạch phim nước ngoài chỉ 20 phim mỗi năm, nên điện ảnh nội địa cần những ý tưởng mới và nhiều tác giả văn học sẵn sàng chia sẻ ý tưởng của họ.

Bộ phim của Trương Nghệ Mưu có sự góp mặt của nam diễn viên từng đoạt giải Oscar, Christian Bale, và thu về 90 triệu USD từ các rạp chiếu ở Trung Quốc, đồng thời được đề cử cho hạng mục phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất ở giải thưởng uy tín Quả cầu vàng tại Mỹ.

Mặc dù không nhận được đề cử Oscar, bộ phim lọt vào danh sách sáu phim được đề cử cho giải phim châu Á xuất sắc nhất năm, dự kiến công bố vào ngày 19/3 tới, với các hạng mục phim và đạo diễn xuất sắc nhất.

Nghiêm Ca Linh nói: “Bất cứ bộ phim điện ảnh hay truyền hình nào chuyển thể từ các tác phẩm văn học đều là điều tốt vì với văn học, độc giả đang giảm ở khắp nơi."

"Ở Trung Quốc, giống như ở Mỹ, văn học nghiêm túc đang thoái trào, nhưng điện ảnh chuyển thể giúp mang các tác phẩm tới một lượng độc giả lớn hơn. Vấn đề không nằm ở chỗ tác phẩm của tôi được chuyển thể ra sao hay quan điểm của đạo diễn như thế nào, làm một bộ phim có nghĩa là nhiều người sẽ muốn đọc tác phẩm gốc hơn. Nên điều đó diễn ra càng nhiều thì tôi càng hạnh phúc.”

Những phim Đông-Tây đều muốn xem

Theo Marysia Juszczakiewicz, người sáng lập Hội văn học Peony có trụ sở tại Hong Kong, thách thức tiếp theo với điện ảnh Trung Quốc là sáng tạo ra những tác phẩm có sức hút cả ở trong và ngoài nước.

Công ty của Juszczakiewicz đã bán bản quyền các tác phẩm của Nghiêm ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Việt Nam và Thái Lan sau những thành công của bộ phim chuyển thể.

Juszczakiewicz nói: “Không dễ để tìm ra những câu chuyện hấp dẫn được cả phương Đông và phương Tây, một câu chuyện không bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, cũng có sức hấp dẫn đại chúng tại phương Tây. Đây mới là khởi đầu của ngành công nghiệp điện ảnh, nhưng tôi cho rằng "The Flowers of War" đã khởi đầu cho một trào lưu mới sẽ có nhiều phim nối tiếp để bắc một cây cầu Đông-Tây.”

Đạo diễn điện ảnh Bành Hạo Tường (Pang Ho-cheung) là người đặc biệt có kinh nghiệm trong việc này, khi đã khởi nghiệp với tư cách một nhà văn nhờ tiểu thuyết ăn khách Fulltime Killer trước khi chuyển sang đạo diễn những phim từng được trao giải như Isabella (2006).

Ông đồng ý rằng, nhu cầu từ ngành công nghiệp điện ảnh cho các tác phẩm chuyển thể đã mở ra cơ hội chưa từng có cho giới văn sĩ.

Đạo diễn Bành nói: “Không thể phủ nhận rằng công chúng vẫn thích những tác phẩm lớn, mang tính sử thi và bị hấp dẫn bởi những đại cảnh khổng lồ trong bầu không khí mê hoặc. Thêm vào đó, tình trạng kiểm duyệt đã dần được nới lỏng dài hạn.”

Tác giả Hong Kong, Duncan Jepson, người từng sản xuất các phim đoạt giải như "Rice Rhapsody" (2004) và phim tài liệu "Hanging Coffins" (2005) mới đây đã xuất bản cuốn tiểu thuyết "All The Flowers in Shanghai" kể câu chuyện về một phụ nữ Trung Quốc phải tuân theo hôn nhân sắp đặt vào những năm 1940 ở Thượng Hải, có thể là tiểu thuyết văn học tiếp theo được chuyển thể thành một bộ phim lớn.

Jepson chia sẻ: “Tôi sẽ rất thích thú nếu tác phẩm của mình được chuyển thể. Dù hay hay dở, sẽ rất thú vị được xem một người khác diễn giải lại tác phẩm của mình, nhất là trong trường hợp từ sách sang phim.”./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục