Nhà văn Quang Sáng với “Chim bay về núi”

Kịch bản "Chim bay về núi” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói về tình cảm của gắn bó máu thịt giữa hai miền Nam-Bắc. 
Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết một kịch bản phim truyện có tên “Chim bay về núi” dài 90 phút để nói về tình cảm của gắn bó máu thịt giữa hai miền Nam-Bắc.  

Kịch bản của ông lấy cảm hứng từ câu thơ nổi tiếng của Huỳnh Văn Nghệ: "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Câu chuyện về một gia đình có nguồn gốc đất Thăng Long, từ thời ông cố đã theo bạn bè vào tận vùng U Minh Cà Mau để khai khẩn đất hoang.

Năm 1954, người chắt trong gia đình, một anh bộ đội Cụ Hồ, để lại ông nội, cha mẹ, vợ con lên đường ra Bắc tập kết. Mang theo tâm ước của ông nội, anh đã tìm về quê hương ở làng hoa Nghi Tàm để thắp hương tổ tiên và nhận họ hàng.

Thời gian trôi đi, những anh bộ đội miền Nam sống và làm việc trên đất Bắc vẫn đau đáu hướng về Nam, khắc khoải chờ đợi giây phút được trở về Nam chiến đấu.

12 năm sau, trên con đường Trường Sơn huyền thoại, một cuộc hội ngộ khó quên của hai người đi ngược chiều đã diễn ra ở một trạm giao liên. Đó là hai cha con anh bộ đội Cụ Hồ. Người cha cùng đơn vị trở về giải phóng miền Nam, người con cùng bạn bè ra Bắc học tập. Vẫn là nỗi niềm nhớ thương giữa hai miền Nam-Bắc…

Tập kết ra Bắc năm 1954, nhà văn từng sống và làm việc tại nông trường Ba Vì và cuộc sống nơi đó một phần được chuyển tải vào kịch bản.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tâm sự: “Viết văn phải viết từ gan ruột, viết bằng máu thịt của mình viết ra. Khi mình viết về những gì mình biết thì mới có thể viết trơn tru được”.

Từng là người con phương Nam sống nhiều năm trên đất Bắc từ những ngày đất nước còn chia cắt, nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho Thủ đô. Ông từng sống ở Hà Nội từ năm 1954-1966, sau đó là từ năm 1972-1975.

Ở tuổi 79, ông vẫn thường xuyên đi về Hà Nội. Ông kể: “Riêng quý 3 năm 2008, tôi ra Hà Nội tới 7 lần”./.

Minh Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục