Nhạc cổ điển rời "tháp ngà"

Nhạc cổ điển rời "tháp ngà" đến với thị trường

Nhóm Credo sẽ trình diễn các tác phẩm kinh điển theo phong cách nhạc trẻ và lời Việt, mang lại cho công chúng cách thưởng thức mới.
Nhóm hát Credo gồm 6 thành viên xuất thân từ Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực tập luyện cho liveshow ra mắt nhóm vào ngày 18 và 19/9 tới tại Nhạc viện. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với nhạc trưởng Nguyễn Bách - “ông bầu” của nhóm. Một cách thưởng thức mới đối với nhạc cổ điểnTại sao anh đầu tư xây dựng nhóm hát trong tình hình nhiều nhóm hát tan rã? Trước hết cần nói rằng ban hợp xướng Suối Việt thời gian gần đây là nơi xuất hiện khá nhiều gương mặt trẻ như Anh Khoa, Quốc Thiên, Thảo Trang, Triệu Lộc... Nhưng những gương mặt trẻ triển vọng này đã phải ra đi, bởi Suối Việt chỉ là một ban hợp xướng nên không thể tham gia vào thị trường. Vì vậy xây dựng nhóm Credo của hợp xướng Suối Việt là để tham gia vào thị trường âm nhạc. Nhưng với một phong cách khác. Đây là những thành viên đã từng gắn bó và làm việc khá nhiều năm trong “gia đình” hợp xướng nên nó có tính bền vững, các em lại chấp nhận có thể thu nhập thấp để làm điều mà mình yêu thích - thực hiện dự án Hát vang tiếng đàn. Anh có thể nói về dự án này? Nói nôm na là hát những tác phẩm khí nhạc kinh điển, nhạc phim, sau khi đã đặt lời cho nó và đổi các tiết tấu cho gần gũi với thị trường âm nhạc hiện nay. Dự án này sẽ được thực hiện mỗi tháng 1 chương trình vào thứ Sáu tuần thứ Ba hàng tháng. Trước mắt sẽ làm liên tục trong 6 tháng tại hội trường Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Trước thực trạng những buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển không có khán giả, chúng tôi muốn mang lại cho công chúng một cách thưởng thức mới, hấp dẫn hơn đối với những tác phẩm âm nhạc cổ điển, đó là lý do mà nhóm hát Credo ra đời. Nghe qua có vẻ giống với cách làm của "Chat với Mozart" mà êkíp Dương Thụ - Anh Quân - Mỹ Linh đã thực hiện. Nó giống nhau và khác nhau thế nào so với "Chat với Mozart"? Trên đại thể là giống nhau, vì đều là đặt lời cho các giai điệu của khí nhạc và để biểu diễn với hình thức một tác phẩm thanh nhạc. Tuy nhiên về tiểu tiết thì có rất nhiều điều khác nhau. Có thể kể như Credo hát nhóm còn "Chat với Mozart" thì hát đơn. Hoặc cùng một giai điệu trích từ vũ kịch Hồ thiên nga, nhưng "Chat với Mozart" xử lý tăng tốc độ nhanh hơn rất nhiều để đưa vào tiết tấu hiphop, lời ca với tiêu đề "Ngày xa anh" nói về tình yêu đôi lứa. Chúng tôi lại giữ nguyên tốc độ, giữ lại phần hòa âm và màu sắc đàn dây (đặc trưng trong phối khí của tác phẩm này), lời ca bám sát với chủ đề, nội dung tác phẩm: “Có một đàn thiên nga trắng rực rỡ tìm đến vui múa bên hồ nước xanh...”. Nói chung mỗi sự xử lý đều mang một mục đích riêng, nhưng điều đó cũng cho thấy là hiệu quả sẽ khác nhau. Rời “tháp ngà” để đi vào thị trườngNhư vậy phong cách của nhóm Credo là gì? Nó không mang một phong cách rõ rệt như pop, rock, R&B... đây là nhóm hát trình diễn những tác phẩm kinh điển đã được đặt lời, có khi hát với phong cách jazz, có khi là pop hoặc dance tùy theo tính chất của tác phẩm... hát phong cách nhạc nào thì dùng kỹ thuật của phong cách đó. Cái đặc biệt của Credo là dùng thanh nhạc để diễn tả tác phẩm khí nhạc trên tinh thần xem giọng người là một nhạc cụ tuyệt hảo. Và chúng tôi tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc nhất quán về nội dung, chủ đề âm nhạc, phong cách tác phẩm khi biến đổi nó. Còn trang phục, vũ đạo thì thế nào khi Credo xác định tham gia thị trường âm nhạc? Ngọc Ny của nhóm có nghề thiết kế nên sẽ lo trang phục cho nhóm, trang phục với tinh thần pha trộn giữa cổ điển và hiện đại. Vũ đạo thì nhóm học với cô Lê Anh giảng viên trường múa, nó cũng là sự pha trộn múa hiện đại và múa cổ điển, bởi những tác phẩm âm nhạc trình diễn có xuất phát từ nhạc cổ điển nói chung. Những thành viên nhóm Credo xuất thân từ nhạc viện, hát khí nhạc cổ điển rồi trình diễn tại khán phòng nhạc viện. Liệu liveshow Màu tình yêu lần này có thoát được “phong cách” nhạc viện để đi vào thị trường? Chắc chắn là khán giả không phải thấy những bức tường trắng xóa quanh sân khấu, hoặc một loại ánh sáng trên sân khấu trống trải mà sẽ là một sân khấu ấn tượng bởi cảm giác pha lê và hoa hồng để diễn tả chủ đề Màu tình yêu. Tại sảnh đón khách sẽ có 2 nghệ sĩ violin và 1 nghệ sĩ flute hóa trang thành 2 thiên thần và 1 ác quỷ. Họ sẽ chơi những bản nhạc trong chương trình như dẫn dắt khán giả vào không khí âm nhạc mà khán giả sẽ thưởng thức trong khán phòng. Từ nơi đón khách đến cửa vào khán phòng sẽ là một gallery nhỏ trưng bày chân dung các nhà soạn nhạc có tác phẩm trình diễn trong chương trình. Những bức tranh này do thành viên của nhóm là Ngọc Ny vẽ bằng sơn dầu, khổ A1. Những tranh này có một số được bán, một số để dồn thành bộ sưu tập các nhà soạn nhạc thế giới sau nhiều kỳ biểu diễn của dự án. Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Liveshow trình làng của Credo với chủ đề Màu tình yêu dự kiến sẽ diễn ra tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh vào 2 đêm 18 và 19/9. Nhóm sẽ trình diễn các bài hát được đặt lời Việt từ giai điệu khí nhạc của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới như G.F.Haendel, F.Chopin, W.A.Mozart, P.I.Tchaikovsky, L.v.Beethoven, G.Bizet...
 
Khách mời chương trình là Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu, Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Minh Tâm cùng Dương Kim Dũng (guitar), Thu Hương, Thanh Tú (piano) và hợp xướng Suối Việt.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục