Gom dân ca để… đánh giặc

Nhạc sĩ Đoàn Bổng gom dân ca để… đánh giặc

Nhạc sĩ Đoàn Bổng từng sử dụng linh hoạt các làn điệu dân ca trong công tác địch vận và cổ vũ tinh thần chiến thắng của quân đội VN.
Nhìn vẻ thư thái của nhạc sĩ Đoàn Bổng, giới trẻ chúng tôi, ít người biết đến ông từng là chiến sĩ nhạy bén trên mặt trận văn hóa trong những năm kháng chiến giải phóng miền Nam Việt Nam.

- Xin chào nhạc sĩ Đoàn Bổng! Được biết ông đã từng sử dụng linh hoạt các làn điệu dân ca trong công tác địch vận cũng như tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến thắng của quân ta trong những năm kháng chiến giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông có thể kể chia sẻ điều này với độc giả của Vietnam+?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng:
Từ năm 1974 đến năm 1976, tôi rất vinh dự được làm việc cho Đài Phát thanh Giải phóng. Đây là thời kỳ cuối cùng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Thời gian tuy ngắn nhưng cao trào kháng chiến lại dồn ở giai đoạn này.

Lúc ấy, tôi đảm nhiệm công việc biên tập cho đài. Hàng ngày đi thu thập các làn điệu dân ca Nam Bộ, dân ca Huế, Liên khu V… Mỗi khi nhận được tin quân ta chiến thắng ở địa phương nào, tôi lập tức lấy những làn điệu dân ca của địa phương đó rồi “đạo diễn” ban nhạc thu thanh để kịp thời phát sóng.

Từ việc tìm làn điệu dân ca, đặt cộng tác viên viết lời mới, đến việc mời ca sĩ, ban nhạc, tổ chức thu thanh, phối khí, pha âm, viết lời dẫn, lời bình… đều do mình tôi đảm nhiệm. Tuần nào tôi cũng hoàn thành một chương trình dân ca phát sóng trong ba mươi phút. Ba mươi phút này (chưa kể thời gian phát lại) đã góp phần lớn cổ vũ tinh thần chiến thắng của quân ta. Không chỉ vậy, nó còn động viên những người theo địch hạ súng.

- Tại sao Đài Phát thanh Giải phóng không dùng những ca khúc nhạc đỏ hùng mạnh mà lại chọn làn điệu dân ca mượt mà để làm vũ khí chiến đấu, thưa ông?


Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Dân ca mượt mà và cũng rất thiết tha. Hơn nữa, dân ca là làn điệu có trong dân gian, nó được ăn sâu vào lòng người dân. Do vậy, dân ca vùng nào là niềm tự hào của người dân vùng ấy.

Mỗi khi quân ta thắng trận, các chiến sĩ được nghe làn điệu dân ca của chính địa phương mình càng thôi thúc trong họ niềm tự hào dân tộc. Đó là động lực giúp họ củng cố thêm niềm tin, ý chí và sự quyết tâm chiến đấu.

Bên cạnh đó, những người theo giặc. Trước thất bại, lại vang bên tai họ những lời thiết tha của quê hương như kêu gọi họ quay về. Điều này ít nhiều tác động đến tâm lý khiến họ phải suy nghĩ lại và thực tế là có nhiều người từ bỏ hàng ngũ ngụy quân.

Đây chính là sức mạnh của dân ca Việt Nam. Hiểu được sức mạnh này nên cấp trên mới chỉ thị cho chúng tôi phải thực hiện đều đặn những chương trình đó.

- Công việc của ông lúc đó đòi hỏi những yếu tố gì?


Nhạc sĩ Đoàn Bổng:
Dựng được một chương trình có chất lượng và thành công trước hết cần phải biết sử dụng âm nhạc đúng lúc, đúng chỗ. Chỉ riêng chọn làn điệu dân ca cho mỗi chương trình cũng cần phải nhạy bén và khoa học. Với mỗi chiến thắng cần một điệu dân ca đặc trưng và lời mới phù hợp.

Ngoài viết nhạc, tôi còn lợi thế về khả năng văn học. Vì vậy, khi định hướng, góp ý, sửa chữa với cộng tác viên về phần lời đều rất hiệu quả.

Bên cạnh những yếu tố về nghiệp vụ đó cũng cần đến sự điềm đạm và kiên nhẫn. Thu một bài hát có khi mất cả hai, ba giờ đồng hồ. Tôi luôn phải theo sát để động viên ca sĩ cũng như anh em trong đoàn.

Không chỉ vậy, mình còn phải biết làm việc “vô điều kiện”. Khi tiền tuyến báo tin chiến thắng về, dù mưa nắng, bão bùng, ngày hay đêm… cũng không quản ngại, bắt tay vào làm chương trình một mạch cho đến lúc hoàn thành.

- Kỷ niệm không thể quên của ông trong những năm tháng quyết định lịch sử này?


Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy rạo rực do chiến thắng Tây Nguyên mang lại. Đây là chiến thắng mở màn cho chiến dịch giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi nhận được tin từ chiến trường báo về, tôi đã không đợi sự chỉ đạo của cấp trên mà ngay lập tức đặt cho mình nhiệm vụ gõ cửa nhà từng cộng tác viên viết lời và đốc thúc họ hoàn thành sớm.

Lúc đó, hạnh phúc và phấn chấn không tả được, tôi đã nhảy lên. Đêm khuya đi từ trụ sở của Đài Phát thanh Giải phóng đến điểm thu thanh, đường vắng tanh chỉ có hàng cột điện nhưng vẫn cảm nhận được không khí sôi sục nơi chiến trường. Cả hôm đó tôi làm việc không biết mệt mỏi là gì.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục