Nhạc sỹ Phú Quang "phá" Tuấn Hiệp khi đòi tác quyền... trái khoáy

"Người ta bảo tôi làm CD Hà Nội run run heo may là 'phá' nhạc Phú Quang nhưng với kiểu đòi tiền bản quyền không giống ai thế này thì không biết ai đang 'phá' ai nữa..." ca sỹ Tuấn Hiệp chia sẻ.

Tuấn Hiệp là ai mà khi nhắc tới, lại phải đả động đến Phú Quang? Hẳn nhiều người sẽ phải thắc mắc kiểu "vì sao lại thế" như vậy nếu chưa nghe CD tình khúc Phú Quang "Hà Nội run run heo may" mà Tuấn Hiệp mới cho ra mắt tại Hà Nội.

Nổi tiếng với dòng nhạc bolero (nhạc xưa) những tưởng Tuấn Hiệp sẽ "lạc bước." Trái lại, sau "Hà Nội run run heo may" không những được giới trong nghề phong là "chàng thơ" mới của tình khúc Phú Quang,Tuấn Hiệp còn khiến nhạc sỹ Phú Quang lần đầu tiên phải "phá" những quy chuẩn vốn được xem là vĩnh cửu trong âm nhạc của ông.

Thậm chí cả chuyện tính toán tác quyền, chưa bao giờ người ta thấy nhạc sỹ Phú Quang lại xuề xòa, lấp lửng như thế!

Tuấn Hiệp là ai, mà ghê gớm đến vậy?

Nhạc sỹ Phú Quang "phá" Tuấn Hiệp khi đòi tác quyền... trái khoáy ảnh 1Ca sỹ Tuấn Hiệp trên bìa CD "Hà Nội run run heo may" (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sắc thái của sự ngẫu hứng


- Chúc mừng Tuấn Hiệp đã ra mắt CD “Hà Nội run run heo may.” Mong anh bỏ quá cho sự tò mò này, anh đã giải quyết ổn thỏa tiền bản quyền cho nhạc sỹ Phú Quang chưa vậy?

Ca sỹ Tuấn Hiệp: Mặc dù chú cháu quen biết nhau đã lâu nhưng tính Hiệp rất rõ ràng. Khi hỏi về tiền bản quyền, chú Quang bảo “mày đưa hai cây thuốc là xong.” Chú cháu bọn tôi vui thế đấy!

- Người ta nói rồi nhất thân nhì quen... Chuyện tiền bạc cũng tế nhị lắm! Trả kiểu “tùy tâm” cũng khó nghĩ hơn nhiều?

Ca sỹ Tuấn Hiệp: Đấy, nên tôi vẫn muốn rõ ràng. Nhưng chú lại bảo “ngại thì trả bằng một nghìn bữa... ăn sáng cũng được.” Người ta bảo tôi làm CD “Hà Nội run run heo may” là “phá” nhạc Phú Quang nhưng với kiểu đòi tiền bản quyền không giống ai thế này thì không biết ai đang “phá” ai nữa... (cười)

- Kể ra cũng trái khoáy thật, thì vốn nhạc sỹ Phú Quang vẫn nổi tiếng là người khó tính, tinh tường trong âm nhạc và khá gay gắt về quyền tác giả. Vậy sao anh vẫn lao vào bằng một CD gồm 10 tình khúc Phú Quang?

Ca sỹ Tuấn Hiệp: Về nhạc tiền chiến, trữ tình thì ở Hà Nội, Tuấn Hiệp thích nhất là nhạc Đoàn Chuẩn và Phú Quang. Sau nhiều lần lỗi hẹn, đến nay mối nhân duyên này mới thành.

- Nói như vậy, có nghĩa giữa anh và nhạc sỹ Phú Quang đã nhiều lần... va chạm ư?

Ca sỹ Tuấn Hiệp: Trước đây, nhạc sỹ Phú Quang có vài lần mời Tuấn Hiệp thu đĩa của ông nhưng Hiệp từ chối. Nhiều lý do nhưng có lẽ lúc đó Hiệp chưa sẵn sàng. Như Tuấn hiệp đã chia sẻ, tình khúc Phú Quang là dự định ấp ủ từ lâu nên nếu làm, Hiệp muốn nó có sự khác biệt và đào sâu.

- Nhiều ý kiến cho rằng “Hà Nội run run heo may” là sự trở lại đất Bắc đúng lúc của Tuấn Hiệp, sau thời gian Nam tiến không mấy thành công. Nhưng cá nhân tôi còn thấy đó còn là sự mạo hiểm, bởi trước nay tình khúc Phú Quang đã gắn với dấu ấn của những ca sỹ đi trước như Ngọc Tân, Lê Dung, Ngọc Anh...?

Ca sỹ Tuấn Hiệp: Tuấn Hiệp ra CD “Hà Nội run run heo may” để thực hiện điều ấp ủ của mình. Trước nay, Tuấn Hiệp không tính toán về điểm rơi, số lượng sản phẩm âm nhạc của mình. Nhưng nếu xét về hiệu ứng, doanh thu quả thực CD này là sự mạo hiểm của Tuấn Hiệp. Như chị nói tình khúc Phú Quang qua tiếng hát của nhiều nghệ sỹ đã là dấu ấn về sự vĩnh cửu trong lòng công chúng rồi. Vì thế, không giấu diếm gì chị, trước khi thu Tuấn Hiệp đã nghe hết toàn bộ những nghệ sỹ hát trước để làm khác đi. Trong âm nhạc có những sự ngẫu nhiên, nên mình phải tìm hiểu, phân tích, lao động nghệ thuật thực sự. Tuấn Hiệp muốn đưa tới một sắc thái mới trong cảm nhận của công chúng về tình khúc Phú Quang. Cách làm thu trực tiếp, hoàn toàn ngẫu hứng với guitar của Tuấn Hiệp đã khác với những nghệ sỹ đi trước.

- Nghe nói anh còn “phá” được sự chuẩn mực, cầu kỳ của nhạc sỹ Phú Quang khi khiến ông phải “phá lệ” khi đồng ý cho anh tự chọn ca khúc và hát theo cách riêng của mình? Điều này khiến tôi bất ngờ, tất nhiên, cả tò mò nữa. Anh đã làm cách nào mà hay vậy?

Ca sỹ Tuấn Hiệp: Cách nói nghe thì to tát thế nhưng đơn giản là Tuấn Hiệp đã thuyết phục được chú Phú Quang. Tuấn Hiệp quan điểm âm nhạc đơn giản lắm, nghệ sỹ làm sản phẩm trước hết phải do họ thấy thích và tâm đắc trước đã. Tuấn Hiệp thích chinh phục chính mình rồi mới chiều công chúng. Chuẩn mực trong âm nhạc đôi khi không hẳn là kỹ thuật mà chính là cảm xúc. Trong CD này, giọng hát của Tuấn Hiệp là thật, tiếng đàn là thật khi thu sống một lần duy nhất cả 10 ca khúc. Có lẽ sự mộc mạc và thô ráp lại chinh phục được nhạc sỹ Phú Quang chăng?

Nói ra nhiều người sẽ bất ngờ, trước khi “Hà Nội run run heo may” ra mắt thì nhạc sỹ Phú Quang mới chỉ biết được 1/10 CD, khi Tuấn Hiệp chỉ gửi cho chú 1 bài nghe thử và duyệt. Không ngờ chú đồng ý và nhận xét với người trong giới là “Tuấn Hiệp nó phá nhạc của tôi, nhưng mà được của nó đấy!” (cười)

Dặn mình tỉnh táo, hiểu luật chơi showbiz

- Có giọng hát trầm ấm, ngoại hình hào hoa, lãng tử cùng sự ưu ái của nhiều nghệ sỹ tài danh như nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, nhạc sỹ nguyễn Ánh 9, mới đây là Phú Quang... nhiều người ngạc nhiên vì sau nhiều năm đứng trên sân khấu, và ra đến 6 album Tuấn Hiệp vẫn là người hát hay ở các phòng trà. Hỏi thật anh có thấy chạnh lòng không?

Nhạc sỹ Phú Quang "phá" Tuấn Hiệp khi đòi tác quyền... trái khoáy ảnh 2Lãng tử, phiêu linh trên sân khấu nhưng ngoài đời, Tuấn Hiệp tự nhận mình là người đơn giản và bụi phủi... (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ca sỹ Tuấn Hiệp: Nói không chạnh lòng thì không thật nhưng đúng hơn đó là kiêu hãnh nghệ sỹ. Tuấn Hiệp không biết mình không làm đúng ở công đoạn nào nhưng có kỷ niệm về một vị tổng biên tập báo đã thẳng thừng không cho xuất bản bài vì lý do không biết Tuấn Hiệp là ai cả. Sau chuyện đó, Tuấn Hiệp đã nghĩ mình không đi tìm vị trí nhưng có lẽ cần phải mở rộng sự lan tỏa giọng hát của mình để chinh phục nhiều đối tượng hơn nữa. Sự âm thầm, mải chinh phục chính mình thì nghệ sỹ sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Nói như vậy, không phải là sự ấm ức, hờn dỗi gì bởi Tuấn Hiệp biết mình ở vị trí nào. Tuấn Hiệp cũng đủ tính táo để hiểu luật chơi trong showbiz. Khán giả ngày càng nhiều sự lựa chọn, mình phải say sưa, đầu tư và tiếp cận truyền thông để mang tiếng hát của mình đến người nghe một cách nhanh nhất thôi. Nhạc xưa, trữ tình phải sống trong không gian nhỏ hơn, khán giả cũng khó chiều hơn. Vị trí của người nghệ sỹ chính xác nhất, bền lâu nhất là trong lòng công chúng. Với dòng nhạc trữ tình, khán giả không nhiều nhưng đã thích thì sẽ chung thủy với tiếng hát ấy mãi mãi.

- Kể cả những lúc phòng trà chỉ có một người ngồi dưới thì anh vẫn say sưa? Tôi còn được nghe câu chuyện anh phải đóng cửa phòng trà cách đây vài năm ở Hà Nội để Nam tiến vì chỉ có một vài công chúng chung thủy như anh nói đấy?

Ca sỹ Tuấn Hiệp: Tuấn Hiệp không bó mình vào quy chuẩn nào, âm nhạc phải say sưa và đâm mê thì mới hay được. Tuấn Hiệp cũng tự nhận mình là người yêu nghề. Chính thời gian làm phòng trà, Tuấn Hiệp “chai mặt” dù chỉ một khán giả ngồi dưới thì mình vẫn hát say sưa. Đã là nghệ sỹ phải tôi luyện cho mình cảm giác lên sân khấu là phải say sưa như trước vạn người. Đó là sự tôn trọng tối thiểu với nghề và công chúng.

- Đã bao giờ anh lâm vào hoàn cảnh hát cho một khán giả duy nhất chưa?

Ca sỹ Tuấn Hiệp: Rồi chứ! Với nhạc xưa thì khán giả đếm trên đầu ngón tay cũng không phải hiếm. Đã lên sân khấu, Tuấn Hiệp chỉ biết hát, miễn sao nhận được một cái nhắm mắt, thả hồn của khán giả cũng đủ khiến mình buông hết để say sưa.

- Được giới trong nghề đánh giá là giọng hát hay nhưng không thành sao, anh thấy mình thiếu điều gì, may mắn hay sự nhạy bén?

Ca sỹ Tuấn Hiệp: Nhiều người thắc mắc, bảo là không biết Tuấn Hiệp là người như thế nào? Trên sân khấu thì hát nhạc tình đến sầu thảm nhưng ngoài đời lại nhí nhố, tươi cười. Đã là lao động nghệ thuật là phải nghiêm túc, trau chuốt để tôn trọng chính mình và khán giả.

Tính cách và dòng nhạc nhắc nhở Tuấn Hiệp phải bước những bước đi chậm rãi, nhẹ nhàng. Tuấn Hiệp luôn tin vào công chúng của mình. Vinh quang không phải con đường rải hoa hồng, nghệ sỹ phải lao động, đào sâu, sáng tạo. Trong âm nhạc, muốn cũng không được. Vị trí ông hoàng, bà chúa do công chúng định danh không phải mình tự xưng mà được.

Ngay cả với nghề hát, chưa bao giờ Tuấn Hiệp đòi cátxê. Nhưng cũng chưa ai làm Tuấn Hiệp thất vọng về sự định giá của họ cho giọng hát của mình. Tuấn Hiệp nghĩ thế này, ca sỹ phải được lên sân khấu và hát trước đã, mọi thứ khác sẽ đến sau, nhanh chậm còn phải tùy. Có những chỗ đến năm thứ ba rồi Tuấn Hiệp chưa nhận cátxê nhưng vẫn hát khi có yêu cầu. Sau nhiều năm đi hát, cảm giác được đứng trên sân khấu, cúi chào khán giả, nghe tiếng vỗ tay tán thưởng sau mỗi bài hát vẫn là cảm xúc giúp Tuấn Hiệp thăng hoa và neo đậu với nghề hát.

- Giờ tôi tin lời người ta bàn tán rằng Tuấn Hiệp là một đại gia có phong thái “chơi” với âm nhạc rồi?

Ca sỹ Tuấn Hiệp: Đại gia vẫn nghĩ đến tiền chứ! Tuấn Hiệp vẫn phải nuôi hai đứa con, vẫn phải sống, nuôi nghề. Nhưng khi mình không đặt tiền làm thước đo thì vẫn có thể lo được. Nếu cứ tính toán, thiệt hơn như thế thì Tuấn Hiệp đã chán nghề hát từ lâu rồi...

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh với Vietnam+./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục