Nhân dân là nhân vật lớn nhất của văn học Việt Nam

Là nơi tập trung những người cầm bút tài năng nhất của đất nước, Đảng và Nhân dân mong đợi Hội Nhà văn VN phải có những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao.
Sáng nay, lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2012) đã được tổ chức long trọng, ấm cúng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, GS Vũ Khiêu,  nhà thơ Thuận Hữu, Bộ trưởng Bộ giáo dục Phạm Vũ Luận, nhà báo Hữu Ước, nhà báo Hữu Thọ... và nhiều nhà văn, nhà thơ, các cán bộ ban ngành đã cùng có mặt trong lễ kỷ niệm. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và một số hội nhà văn quốc tế như Hội nhà văn Á Phi, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Ba Lan, Thái Lan...đã gửi thư điện chúc mừng.

Nhìn lại thành tựu của 55 năm đã qua với những gương mặt các nhà thơ, nhà văn đã quên mình vì lý tưởng, đã cống hiến hết mình cho dân tộc... ngẫm nghĩ về những thử thách sắp tới, nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ: "Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động với xu hướng toàn cầu hóa, các trào lưu, nghệ thuật đan xen nhau thật giả. Hệ thống các giá trị có sự thay đổi, xáo trộn, đôi khi chúng ta thật khó phân định chân giả, thiện ác. Nhưng chính vào lúc này, ở trung tâm của cuộc đấu tranh sinh tử, nhà văn phải vào cuộc, đi tìm cái mới trong sáng tạo, cũng là đi tìm cái mới trong cuộc sống".

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Đinh Thế Huynh nhận định: 55 năm qua Hội Nhà văn Việt Nam xứng đáng đã hoàn thành sứ mệnh của mình xứng đáng là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy, bạn đọc trong ngoài nước yêu mến. Với hàng ngàn tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật sâu sắc các nhà văn thời đại Hồ Chí Minh đã góp phần tôn vinh tiếng Việt và làm phong phú thêm chân dung, nhân cách, tinh thần, phẩm giá của con người Việt Nam.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Nhân vật lớn nhất của các nhà văn trong suốt 55 năm, đồng hành cùng dân tộc chính là nhân dân Việt Nam bền bỉ, dẻo dai trong đấu tranh sinh tồn, anh hùng trong chiến đấu giải phóng và bảo vệ Tổ quốc và cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Ra đời từ năm 1957, Hội nhà văn Việt Nam là một tổ chức ngành nghề quan trọng, góp phần thúc đẩy và phát triển văn hóa, tinh thần và bản sắc dân tộc Việt Nam. Hội ghi dấu ấn bởi những thành tựu quan trọng đóng góp cho nền văn học cách mạng Việt Nam, mang lại luồng gió mới, tinh thần mới cho nhân dân cả nước.

Những thành viên không thể nào quên của hội, cũng là những cái tên quen thuộc với đồng bào cả nước, như: Nam Cao, Văn Cao, Ngô Tất Tố, Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Dương Kỳ Anh, Hoàng Cầm, Hoàng Nhuận Cầm, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Ma Văn Kháng, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Phủ Ngọc Tường....

Trải qua hơn nửa thế kỷ đồng hành cùng lịch sử, dân tộc, đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã có 5 thế hệ nhà văn kế tiếp nhau gánh vác sứ mệnh làm thư ký trung thành của thời đại. Bắt đầu từ thế hệ các nhà văn sáng tác từ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, tới các nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp, các nhà văn chống Mỹ, các nhà văn của thời hậu chiến và sau đó là của thời kỳ đổi mới. Mỗi thế hệ có những mặt mạnh, những đặc điểm khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là đã góp phần tạo nên một nền văn học có diện mạo bề thế, gắn bó với Tổ quốc, đồng hành cùng lịch sử dân tộc, góp phần sâu sắc vào việc xây dựng cốt cách, tâm hồn và nền văn hoá Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ qua, cách mạng và kháng chiến đã cung cấp cho các nhà văn những chất liệu quý giá, một không gian sáng tạo rộng lớn. Cùng với tài năng, bầu nhiệt huyết không bao giờ nguội lạnh, các thế hệ nhà văn đã tạo nên một dòng chảy văn học đầy sức sống. Từ hạt nhân đầu tiên hoạt động trong vòng kiềm toả, săn đuổi của thực dân Pháp, đội ngũ các nhà văn Việt Nam đã phát triển thành một đội ngũ đông đảo với nhiều tên tuổi sáng giá....

Trong bối cảnh của xã hội vừa hội nhập vừa mở của, nền văn học của chúng ta đang đứng trước những bước chuyển lớn: Từ một nền văn học trong chiến tranh trở thành nền văn học hiện đại, đóng góp vào việc bồi dưỡng con người, bồi dưỡng những tố chất của văn hoá Việt Nam, góp phần đưa một đất nước lạc hậu, chậm phát triển trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Đặc biệt văn học khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quật cường hàng ngàn năm để góp phần bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Với những đóng góp trong quá trình chiến đấu, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Hội Nhà văn Việt Nam đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, trong đó có Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất. 170 hội viên xuất sắc của Hội cũng được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục