Nhận diện các chiêu thức "làm giá" thuốc

Tại cuộc hội thảo "Công bố kết quả nghiên cứu báo cáo pháp luật cạnh tranh điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm" được tổ chức ngày 18/2, tại Hà Nội, các chuyên gia của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chỉ ra nhiều chiêu thức kinh doanh không lành mạnh của giới kinh doanh dược phẩm.

Tại cuộc hội thảo "Công bố kết quả nghiên cứu báo cáo pháp luật cạnh tranh điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm" được tổ chức ngày 18/2, tại Hà Nội, các chuyên gia của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chỉ ra nhiều chiêu thức kinh doanh không lành mạnh của giới kinh doanh dược phẩm.
 

"Bắt tay" làm giá

Các doanh nghiệp nước ngoài nói rằng, giá bán thuốc đã được kê khai trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, và giá bán buôn, bán lẻ do công ty nhập khẩu và phân phối của Việt Nam định giá. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu của Cục Quản lý Cạnh tranh khi phỏng vấn chính các công ty nhập khẩu và phân phối của Việt Nam mới vỡ lẽ ra giá cả là do các công ty phân phối của nước ngoài “ấn định”.

Nghiên cứu viên Phạm Quế Anh của Cục Quản lý Cạnh tranh phân tích: Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài không được tham gia phân phối dược phẩm tại Việt Nam. Các đối tượng trên được nhập khẩu thuốc trực tiếp vào Việt Nam kể từ 1/1/2009 nhưng không được phân phối trực tiếp mà phải bán lại cho các doanh nghiệp trong nước có chức năng phân phối. Tuy nhiên, chính các hãng dược phẩm nước ngoài mới là người nắm quyền điều khiển đối với phần lớn nguồn cung thuốc trên thị trường.

Thuốc trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được nhà phân phối, công ty môi giới cấu kết với văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài “ấn định” giá. Các công ty nước ngoài cũng quyết luôn giá bán buôn và bán lẻ ra thị trường, có khi giá thuốc được nâng cao hơn giá gốc đến 200-300%. Một bằng chứng là trên bản báo giá bán thuốc có tên của cả nhà phân phối, nhập khẩu và môi giới.

Có thể hành vi “ấn định” giá này của các doanh nghiệp tuy do “ép buộc” của các công ty có sức mạnh thị trường, nhưng các công ty nhập khẩu và phân phối của Việt Nam cũng chấp nhận mức giá đó mà không có phản kháng gì, điều này có nghĩa họ cũng đồng ý và thống nhất ấn định mức giá.

Một chiêu thức khác của các công ty kinh doanh dược phẩm là dựa vào việc kiểm soát số lượng hàng hóa để đẩy giá lên cao.

Thực tế trên thị trường phân phối dược phẩm vừa qua, có hiện tượng một công ty A không có chức năng nhập khẩu thuốc chữa bệnh trực tiếp vào Việt Nam mà phải nhập khẩu thuốc ủy thác thông qua một công ty B. Sau khi lô hàng được nhập về, công ty A này lại “thông đồng” với một công ty C khác để “cắt lô” hàng, bằng cách công ty C sẽ mua lại 50% hay 80% tùy khả năng (tuy nhiên, toàn bộ lô hàng này vẫn được lưu kho tại công ty B theo quy định).

Số hàng còn lại sau khi “cắt lô” sẽ được một đơn vị phân phối cho công ty A bán ra thị trường với giá bình thường. Khi hàng trên thị trường gần hết, công ty A sẽ báo cho công ty C đưa nốt số hàng đã mua ra thị trường với giá tăng cao hơn. Lúc này, thị trường đã hết loại thuốc này, nên giới bán buôn buộc phải mua với giá cao từ công ty C. Hành vi “bắt tay” nhau để cùng hạn chế số lượng hàng hóa trên có nhiều biểu hiện gần giống với hành vi “đầu cơ” để nâng giá.

Độc quyền phân phối

Một trong những yếu tố chính dẫn tới việc giá thuốc ở Việt Nam tăng cao chính là sự độc quyền trong phân phối dược phẩm. Độc quyền trong kinh doanh là một trong những hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh, tuy nhiên, độc quyền trong phân phối dược phẩm vẫn tồn tại với nhiều hình thức.

Thứ nhất, hiện vẫn tồn tại thực tế chỉ có một hay một số ít doanh nghiệp được cấp số đăng ký đối với một số nhóm thuốc. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng độc quyền và độc quyền nhóm.

Thứ hai, tình trạng độc quyền này bắt nguồn từ nước ngoài, xảy ra trong trường hợp các công ty đa quốc gia khổng lồ nắm giữ quyền sáng chế, sản xuất, cung ứng chỉ giao hàng cho một số công ty nhất định tại Việt Nam, dẫn đến việc một số công ty có độc quyền về nguồn cung. Chẳng hạn Zuellig tiếp thị thuốc do công ty mẹ ở Singapore phân phối, Diethelm chủ yếu tiếp thị thuốc của Mỹ, châu Âu, Mega tiếp thị thuốc của Thái Lan, Ấn Độ.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hiện nay, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (Diethelm Việt Nam, Công ty Mega Lifesciences Việt Nam, Công ty Zuellig Pharma Việt Nam) đang chiếm vị trí thống lĩnh trong phân khúc thị trường theo nhóm sản phẩm.

Hiện tượng này dẫn đến luôn tiềm ẩn nguy cơ sử dụng sức mạnh thị trường để áp đặt các điều kiện thương mại bất lợi cho các nhà phân phối, tác động tới giá thuốc trên thị trường theo chiều hướng tăng một cách bất hợp lý và do đó ảnh hưởng bất lợi cho người tiêu dùng.

Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng hiện tượng độc quyền diễn ra trong hệ thống phân phối thuốc Việt Nam rất cần được kiểm soát và nếu vi phạm pháp Luật Cạnh tranh thì cần bị điều tra xử lý.

Thực tế, nhóm nghiên cứu của Cục Quản lý cạnh tranh đã phát hiện một số doanh nghiệp nước ngoài (như Zuellig Pharma, Diethlm, Mega…) trong việc phân phối thuốc đã có các hành vi ấn định giá bán buôn, bán lẻ thuốc cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng; áp đặt điều kiện giao tiền ngay mới được nhận thuốc gây bất lợi cho khách hàng.

Để kết luận các công ty trên có là các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hay có vị trí độc quyền hay không lại vẫn cần phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Chính vì vậy, cho đến giờ, vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý theo Luật Cạnh tranh./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục