Nhận diện sự dịch chuyển ngoại giao, kinh tế ở Trung Đông

Bất chấp phương Tây vẫn ghẻ lạnh với Syria, các đồng minh Arab của Mỹ đang "mở rộng cánh tay chào đón" chính quyền Damascus thông qua nỗ lực làm hồi sinh mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với Syria.
Nhận diện sự dịch chuyển ngoại giao, kinh tế ở Trung Đông

Theo Reuters, phương Tây vẫn ghẻ lạnh và xa rời Tổng thống Syria Bashar al-Assad với những lời chỉ trích về một thập kỷ chiến tranh tàn bạo ở Syria.

Thế nhưng, có một sự thay đổi đang diễn ra ở Trung Đông, với việc các đồng minh Arab của Mỹ đang "mở rộng cánh tay chào đón" chính quyền Damascus thông qua nỗ lực làm hồi sinh mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với Syria.

Với nhiệm kỳ tổng thống đã kéo dài 2 thập kỷ, việc ông Assad tiếp tục nắm giữ quyền lực trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2021 đã không giúp xóa nhòa được sự ghẻ lạnh của phương Tây đối với ông.

Mặc dù vậy, lãnh đạo các quốc gia Arab đang có xu hướng chấp nhận thực tế rằng ông Assad đã duy trì được khả năng kiểm soát chặt chẽ quyền lực của mình.

Cuộc rút quân đầy hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan đã củng cố niềm tin của giới lãnh đạo Arab rằng họ cần tìm ra hướng đi riêng cho mình.

Khi tiên liệu được xu hướng Mỹ sẽ thúc đẩy chính sách "buông tay" ở Trung Đông và giờ đây bận tâm đối phó với những thách thức đến từ Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Arab hiện hành động dựa trên những ưu tiên của riêng mình, đặc biệt là cách phục hồi nền kinh tế đã và đang bị ảnh hưởng bởi xung đột kéo dài nhiều năm và đại dịch COVID-19.

Chính quyền các nước Arab như Cairo, Amman và Abu Dhabi đang có những tính toán và cân nhắc chính trị. Những tính toán này bao gồm cả mối quan hệ với Nga, lực lượng "chống lưng" lớn nhất của Assad, khi Moskva lâu nay vẫn thúc đẩy Syria tái hội nhập với các nước khu vực, và tìm cách chống lại ảnh hưởng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có sự ủng hộ đối với các phần tử Hồi giáo dòng Sunni trên toàn khu vực, bao gồm cả vùng phía Bắc Syria vốn vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Assad, là mối quan tâm đặc biệt của các nhà cầm quyền Arab.

Nhận diện sự dịch chuyển ngoại giao, kinh tế ở Trung Đông ảnh 1Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại thị trấn Atareb, Syria, ngày 19/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới lãnh đạo Arab có thể "bước trên con đường chung" với chính quyền Damascus trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo.

Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy các nước Arab đang ngày càng xích lại gần với chính quyền Damascus, như việc Quốc vương Jordan Abdullah đã điện đàm với Tổng thống Assad lần đầu tiên sau một thập kỷ vào đầu tháng 10/2021, nhưng chính sách của Mỹ sẽ vẫn là một yếu tố phức tạp.

Washington lâu nay vẫn khẳng định chưa hề có sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với Syria, vốn yêu cầu một sự chuyển đổi chính trị như đã nêu trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào chính quyền Damascus, vốn được siết chặt dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, vẫn đặt ra rào cản nghiêm ngặt về thương mại.

Tuy nhiên, giới phân tích ở Washington cho rằng Syria hầu như không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Họ lưu ý rằng ông Biden đang tập trung vào việc chống lại Trung Quốc và chính quyền Mỹ hiện vẫn chưa áp dụng các biện pháp trừng phạt Syria theo cái gọi là Đạo luật Caesar vốn có hiệu lực vào năm 2020 nhằm gia tăng áp lực với ông Assad.

Sau khi bị chính quyền Trump cảnh báo về mối quan hệ với Damascus, các quốc gia Arab một lần nữa gây sức ép với Washington về vấn đề này.

David Lesch, một chuyên gia về Syria tại trường Đại học Trinity ở Texas, nói: “Các đồng minh của Mỹ trong thế giới Arab lâu nay vẫn kêu gọi Washington gỡ bỏ cấm vận đối với chính quyền Damascus và cho phép nước này tái hòa nhập vào khối Arab. Có vẻ như ở một mức độ nào đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang lắng nghe."

Điều này đánh dấu một sự thay đổi so với những năm đầu xảy ra xung đột ở Syria, thời điểm Syria bị loại khỏi Liên đoàn Arab và các quốc gia Arab bao gồm Saudi Arabia, Jordan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã hậu thuẫn một số lực lượng phiến quân chống lại ông Assad.

Phá vỡ rào cản

Cuộc xung đột kéo dài một thập kỷ, bùng phát từ cuộc nổi dậy chống lại ông Assad trong "Mùa Xuân Arab," đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, làm "xóa sổ" một nửa dân số và buộc hàng triệu người phải tị nạn ở các quốc gia lân cận và châu Âu.

Các lực lượng phiến quân chống lại ông Assad vẫn cố thủ ở phía Bắc với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi phía Đông và Đông Bắc nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng do người Kurd đứng đầu với sự hậu thuẫn của Mỹ.

Tuy nhiên, trong khi cuộc xung đột vẫn chưa được giải quyết, ông Assad đã trở lại kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria chủ yếu do sự hỗ trợ của Nga và Iran.

Cả Moskva và Tehran luôn có mức độ cam kết cao hơn so với Washington về việc bảo đảm sự tồn vong của chế độ Assad ngay cả khi xuất hiện những tin tức về việc sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào lực lượng nổi dậy.

[Quốc vương Jordan và Tổng thống Syria điện đàm lần đầu tiên sau 10 năm]

Jordan, quốc gia láng giềng của Syria ở phía Nam, đã đi đầu trong việc thay đổi chính sách của các nước Arab đối với Syria trong bối cảnh nền kinh tế Jordan đang rất ốm yếu và đang vướng vào mối quan hệ đầy sóng gió với nước láng giềng giàu có ở vùng Vịnh là Saudi Arabia.

Tháng 9/2021, giao thương biên giới giữa Syria và Jordan đã hoạt động trở lại hoàn toàn và chính quyền Amman là động lực thúc đẩy thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên từ Ai Cập tới Liban qua Syria khi được Mỹ "bật đèn xanh."

Nhận diện sự dịch chuyển ngoại giao, kinh tế ở Trung Đông ảnh 2Xe tải qua cửa khẩu Jaber/Nassib nối Jordan với Syria ngày 29/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bình luận trên kênh truyền hình Al Mamlaka của Jordan, Samih al-Maaytah, từng là bộ trưởng Jordan và hiện là nhà phân tích chính trị của Jordan, nói: “Khi Jordan phá vỡ những rào cản này và thiết lập các mối quan hệ, tình hình này sẽ khích lệ các quốc gia khác làm theo.”

Cửa khẩu nói trên từng là nơi qua lại mỗi ngày của hàng trăm xe tải vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Vịnh. Việc mở cửa trở lại hoạt động giao thương biên giới sẽ là một biện pháp kích thích kinh tế đối với Jordan và Syria, những quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế.

Điều này cũng sẽ giúp ích cho Liban, nước đang hứng chịu tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại.

Jim Jeffrey, cựu Đặc phái viên của Mỹ về Syria dưới thời cựu Tổng thống Trump, nói với Reuters: "Tôi hoàn toàn tin rằng Jordan nghĩ Mỹ sẽ không trừng phạt họ. Có một tin đồn lan truyền trên các phương tiện truyền thông và giữa những quốc gia trong khu vực rằng Mỹ không còn mạnh tay trừng phạt Tổng thống Assad theo Đạo luật Caesar hoặc vì những điều khác."

Cảm nhận nói trên đã được phản ánh tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2021, nơi ngoại trưởng Ai Cập và Syria đã có cuộc gặp bên lề lần đầu tiên sau một thập kỷ.

Cảm nhận này cũng thể hiện tại triển lãm Expo 2020 Dubai, nơi các bộ trưởng kinh tế Syria và UAE thảo luận về việc tái khởi động hoạt động của hội đồng kinh doanh song phương.

Saudi Arabia có thể "tiếp bước" Jordan

UAE đã mời Syria tham dự hội chợ triển lãm 2020 bất chấp những nỗ lực nhằm "hạ bệ chế độ Assad." Chia sẻ với Reuters tại gian hàng hội chợ ở Syria với chủ đề "Chúng ta sẽ cùng phát triển," Đại sứ Syria tại UAE Ghassan Abbas tự tin nói: "Liệu có một cách tiếp cận mới trong việc xử lý mối quan hệ với Syria hay không? Câu trả lời là có."

Ông Aaron Stein, Giám đốc chương trình Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại của Mỹ, cho rằng chính quyền Biden "không quan tâm đến việc sử dụng vốn liếng ngoại giao để ngăn cản các chính phủ khu vực làm những gì họ cho là tốt nhất đối với chế độ Assad."

Theo chuyên gia này, chính sách của Mỹ ở Syria hiện tập trung vào nỗ lực chống lại các tay súng Nhà nước Hồi giáo và viện trợ nhân đạo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từng tuyên bố: "Những gì chúng tôi chưa làm và sẽ không làm là bày tỏ bất kỳ sự ủng hộ nào đối với những nỗ lực bình thường hóa hoặc tái thiết lập quan hệ với nhà độc tài Bashar al-Assad, việc dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt đối với Syria, hoặc thay đổi lập trường của Mỹ phản đối công cuộc tái thiết Syria đến khi đạt được tiến triển không thể đảo ngược về một giải pháp chính trị."

Mặc dù nhiều đồng minh của Mỹ trong khu vực đang theo đuổi mối quan hệ mới với chính quyền Damascus, song Saudi Arabia - một nhân tố nặng ký trong khu vực - vẫn tỏ ra do dự.

Joshua Landis, chuyên gia về Syria tại trường Đại học Oklahoma, nhận định: “Có một nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy Saudi Arabia và Syria đi đến hòa giải dưới một hình thức nào đó. Tuy nhiên, Saudi Arabia vẫn đang chần chừ vì họ đang chờ tín hiệu từ Mỹ."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục