Nhận định chứng khoán tuần tới: Chưa có tín hiệu hồi phục mạnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch giằng co. Mặc dù các chỉ số bứt phá về phiên cuối tuần nhưng thanh khoản tuần qua cũng sụt giảm rất mạnh.
Nhận định chứng khoán tuần tới: Chưa có tín hiệu hồi phục mạnh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch giằng co. Mặc dù các chỉ số bứt phá về phiên cuối tuần nhưng thanh khoản tuần qua cũng sụt giảm rất mạnh.

Theo giới phân tích, hiện tại thị trường vẫn đang thiếu những thông tin hỗ trợ đủ mạnh để duy trì đà tăng trưởng bền vững. Những thông tin về kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2018 nếu có tác động tích cực cũng chỉ có thể tác động đến những cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả thật sự đột biến.

Kết thúc tuần giao dịch tuần từ 9-13/7, VN-Index giảm 7,79 điểm xuống 909,72 điểm; HNX-Index tăng 1,81 điểm lên 102,51 điểm.

Thanh khoản tiếp tục sụt giảm so với tuần trước đó và ở mức thấp với chỉ khoảng gần 3.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. |

[Nền kinh tế Việt Nam đủ mạnh giúp thị trường chứng khoán phục hồi?]

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 27,3% xuống 13.707 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 16,8% xuống 643 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 23% xuống 2.254 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 21,6% xuống 160 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm tích cực nhất thị trường nhưng các mã trong nhóm cũng không có sự đồng thuận cao khi diễn biến tăng giảm trái chiều. Trong khi VCB giảm 0,4%, TCB giảm 9%, SHB giảm 1,3% thì ACB tăng 4,3%, MBB tăng 2,7%, VPB tăng 1,7%, CTG tăng 3,2%, BID tăng 1,7%.

Dòng tiền cũng chỉ tập trung vào một số mã cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng và vẫn còn nhiều mã cổ phiếu ngân hàng có mức thanh khoản thấp. Tuy nhiên, nhìn chung những tín hiệu tích cực tại nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể còn duy trì trong tuần giao dịch tới.

Không may mắn như nhóm cổ phiếu ngân hàng, cùng với sự đi xuống của giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí tuần qua giảm mạnh cả về thị giá và thanh khoản. Cụ thể, PLX giảm 0,7%, OIL giảm 6,5%, BSR giảm 13,6%, POW giảm 2,4%, PVB giảm 2,8%, PVD giảm 4,8%, PVC giảm 1,6%, PVS giảm 1,8%, TDG giảm 3,3 %.

Với diễn biến tình hình thế giới hiện nay, có lẽ một kịch bản cổ phiếu dầu khí tăng trưởng mạnh trong tuần tới là khó xảy ra, khi mà giá dầu đang có những diễn biến “lình xình” và còn có thể đi xuống.

Các chuyên gia cho rằng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng kiềm giữ hoạt động mua vào dầu mỏ của giới đầu tư.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak cho biết, nước này và các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới khác có thể gia tăng sản lượng trong trường hợp nguồn cung thiếu hụt.

Trong một báo cáo, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 73 USD/thùng trong nửa cuối năm 2018 và sẽ giảm xuống 69 USD/thùng vào năm 2019.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán cùng chung xu hướng với thị trường khi nhiều mã giảm giá như: SSI giảm 4%, HCM giảm 8,8%, VCI giảm 4,8%, VND giảm 2,6%, MBS giảm 2,5%, CTS giảm 0,9%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán thường diễn biến theo xu hướng thị trường chung và phụ thuộc rất nhiều vào thanh khoản của thị trường. Trong khi thị trường giảm và thanh khoản cũng giảm thì nhóm chứng khoán có lẽ khó phục hồi trong trong tuần giao dịch tới.

Bên cạnh việc những nhóm cổ phiếu chính đang có xu hướng giảm thì những mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường cũng giảm giá rất mạnh như: VIC giảm 3%, VHM giảm 2,8%. Trong khi đó, những cổ phiếu vốn hóa lớn như: HPG giảm 3,3%, SAB giảm 0,9%, VJC giảm 1,4%, NVL giảm 1,2%. Không những giảm giá mạnh, những mã cổ phiếu này cũng có thanh khoản yếu.

Có thể nhận thấy rằng, cổ phiếu đã bị bán khá mạnh và liên tục trong thời gian từ tháng 4 đến nay. Tuy lực mua vẫn yếu ớt, nhưng lực bán cũng đã giảm nhiều. Điều này cho thấy có thể thị trường đang trong giai đoạn tích lũy với thanh khoản đã cạn kiệt.

Rõ ràng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ảnh hưởng rất lớn lên tâm lý nhà đầu tư. Trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhà đầu tư có lẽ đang đứng ngoài quan sát khiến thị trường rất “ảm đạm.” 

Theo giới phân tích, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc bắt đầu vào ngày 6/7 mang theo một rủi ro lớn khi sự leo thang có thể làm suy giảm hoạt động đầu tư, tác động tiêu cực tới chi tiêu, khiến các thị trường tài chính bất ổn và làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Việc gia tăng áp đặt các mức thuế trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động đầu tư khi các doanh nghiệp “án binh bất động” để chờ xem liệu Chính phủ Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận “đình chiến” với Trung Quốc hay không. Một số doanh nghiệp có thể sẽ dừng tuyển dụng lao động cho đến khi tình hình trở nên sáng sủa hơn.

Hiện tại, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và một số quốc gia khác vẫn chưa có dấu hiệu tìm được tiếng nói chung.

Thực tế, việc thị trường giảm điểm, cùng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, tỷ giá tăng mạnh và lập kỷ lục, nước ngoài bán ròng mạnh cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư có cảm giác “bất an” và “chán nản.” 

Chính vì vậy, sự hồi phục của thị trường diễn ra vào những phiên cuối tuần có vẻ như khá mong manh, yếu ớt, khi mà nền tảng chung (các yếu tố về dòng tiền, nước ngoài bán ròng, chiến tranh thương mại, tỷ giá…) vẫn chưa có sự cải thiện.

Mặc dù tuần qua, khối ngoại bán ròng đã giảm rất nhiều so với tuần trước đó, nhưng giá trị bán ròng cổ phiếu của khối này vẫn lên tới hàng trăm tỷ đồng và tập trung ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Rõ ràng xu thế bán ròng này khó có thể đảo chiều trong “một sớm một chiều.” 

Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng gần 269 tỷ đồng, giảm mạnh 77% so với tuần trước đó, tương ứng khối lượng bán ròng là 8,4 triệu cổ phiếu. Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 47 tỷ đồng, tương ứng khối lượng là gần 2 triệu cổ phiếu. Như vậy, tính chung cho cả 2 sàn niêm yết, khối ngoại đã bán ròng 222 tỷ đồng.

Với diễn biến của thị trường hiện tại, cùng các thông tin vĩ mô có thể tác động đến thị trường, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, thị trường vẫn chưa có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, vì vậy khả năng tạo đáy thành công chưa được đánh giá cao.

Chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC nhận định: "Diễn biến khởi sắc của thị trường trong hai phiên cuối tuần, cùng với áp lực bán của khối ngoại không còn quá mạnh giúp triển vọng hồi phục của thị trường trong các phiên đầu tuần sau được đánh giá cao. Mặc dù vậy, với việc thanh khoản thị trường vẫn đang duy trì ở mức thấp, khả năng chỉ số VN-Index tạo đáy thành công và quay trở lại xu hướng tăng trong trung hạn chưa được đánh giá cao." 

Chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC phân tích: “Trạng thái thị trường vẫn chưa có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ do tâm lí chờ thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh quý II, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch." 

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank -VCBS: "Kịch bản tích cực nhất hiện tại chỉ số sẽ chuyển từ xu hướng giảm sang dao động tích lũy với biên độ sẽ dần thu hẹp hơn trong thời gian tới khi mùa kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp đang niêm yết đang đến gần."

“Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vẫn đang tương đối "miễn nhiễm" với tin tức hỗ trợ, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và giữ tỉ trọng tiền mặt ở mức cao, đồng thời chỉ nên giải ngân tích lũy với tỉ trọng vừa phải với một số cổ phiếu vốn hóa trung bình có triển vọng kinh doanh tăng trưởng tốt và giao dịch ở mức giá chiết khấu so với mặt bằng chung của thị trường," VCBS khuyến nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục