Nhận định của chuyên gia về bản địa hóa dự án kinh tế của Trung Quốc

Chuyên gia của trường Đại học Quốc gia Australia đưa ra một số bằng chứng cho thấy các dự án kinh tế của Bắc Kinh ở nước ngoài đang ngày càng được bản địa hóa thay vì chỉ sử dụng lao động Trung Quốc.
Nhận định của chuyên gia về bản địa hóa dự án kinh tế của Trung Quốc ảnh 1Kỹ thuật viên Trung Quốc và công nhân châu Phi tại công trường xây dựng đường cao tốc ở Nairobi, Kenya. (Nguồn: Xinhua)

Trong bài viết đăng trên trang theinterpreter.com, chuyên gia nghiên cứu Dirk van der Kley của trường Đại học Quốc gia Australia, đã đưa ra một số bằng chứng cho thấy các dự án kinh tế của Bắc Kinh ở nước ngoài đang ngày càng được bản địa hóa thay vì chỉ sử dụng lao động Trung Quốc. Sau đây là nội dung bài viết:

Trong một cuộc gặp trực tuyến với một nhóm sinh viên châu Phi vào cuối tháng 4/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đặt ra một câu hỏi ẩn ý về Trung Quốc: "Họ có mang theo công nhân của họ không, hay họ đem lại việc làm cho người dân ở những nước mà họ đang đầu tư?"

Ông Blinken dường như gợi ý rằng các dự án và đầu tư của Trung Quốc ở lục địa châu Phi không mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Quan điểm này lâu nay vẫn được nêu bật trên các phương tiện truyền thông và các bài bình luận. Chắc chắn có thể tìm thấy những ví dụ riêng lẻ về các dự án Trung Quốc đem theo người lao động Trung Quốc và không có sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Tuy nhiên, bằng chứng hiện có cho thấy sự tham gia kinh tế ở nước ngoài của Trung Quốc đã được bản địa hóa nhiều hơn. Các công ty Trung Quốc đang cung cấp việc làm, xuất khẩu, thu ngân sách (thông qua thuế) và chuyên môn kỹ thuật.

Đã qua rồi cái thời các dự án cơ sở hạ tầng lớn, được xây dựng bởi lao động Trung Quốc, đóng vai trò "xương sống" cho sự tham gia kinh tế của nước này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc các nơi khác. Nói tóm lại, những dự án này đang mang lại cho các nền kinh tế mới nổi những gì họ mong muốn.

[Những lầm tưởng về đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi]

Có bằng chứng nghiên cứu đáng kể về việc bản địa hóa công ty Trung Quốc ở các nền kinh tế mới nổi toàn cầu. Năm ngoái, chuyên gia nghiên cứu Dirk van der Kley đã xuất bản một bài báo cho thấy mọi công ty lớn của Trung Quốc ở Kyrgyzstan và Tajikistan đã bản địa hóa lực lượng lao động của họ trong 10 năm qua.

Quá trình bản địa hóa diễn ra ở cả hai quốc gia do mức lương địa phương rẻ hơn và áp lực từ chính phủ và xã hội. Tốc độ bản địa hóa nhanh hay chậm tùy thuộc vào loại dự án. Các công ty tập trung vào các hoạt động xây dựng ngắn hạn nội địa hóa chậm hơn so với các công ty đầu tư dài hạn.

Các mô hình tương tự đã được quan sát trên khắp thế giới. Công ty tư vấn McKinsey đã tiến hành khảo sát thực tế tại hơn 1.000 công ty Trung Quốc ở 8 quốc gia châu Phi. Các cuộc khảo sát cho thấy "89% lao động là người châu Phi, tạo ra gần 300.000 việc làm cho người lao động châu lục này."

Vào năm 2014, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở Ghana có ý định "thuê càng nhiều người dân địa phương càng tốt." Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Johns Hopkins đã khảo sát 20 công ty sản xuất của Trung Quốc ở Nigeria và báo cáo rằng trung bình có 85% lao động là người địa phương.

Một nghiên cứu khác cho thấy tại một mỏ lớn thuộc sở hữu của Trung Quốc ở Peru, hầu hết nhân viên đều là người địa phương, ngoại trừ một số ít người nước ngoài.

Các nghiên cứu đã đề cập cũng cho thấy tiền lương, chính quyền địa phương và áp lực xã hội là động lực chính thúc đẩy tiến trình bản địa hóa và bản địa hóa có xu hướng tăng lên theo thời gian. Ở nhiều nền kinh tế mới nổi, thách thức lớn nhất để thuê thêm người dân địa phương là thiếu lao động có kỹ năng.

Đa số nghiên cứu cũng cho thấy các công ty Trung Quốc cung cấp các khóa đào tạo tại Trung Quốc và tại chỗ để khắc phục điều này.

Dù vậy, các vấn đề vẫn còn tồn tại. Những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa là thách thức ở nhiều nơi làm việc. Sự chênh lệch lớn về lương thưởng tồn tại giữa người dân địa phương và chủ lao động người Trung Quốc.

Trong những năm chuyên gia nghiên cứu Dirk van der Kley theo dõi vấn đề này ở Trung Á, các cuộc thảo luận trong các cộng đồng với các dự án lớn của Trung Quốc đã thay đổi - từ việc không có việc làm tại địa phương sang nhu cầu đảm bảo quyền của người dân địa phương làm việc cho các công ty Trung Quốc. 

Một cuộc khảo sát năm 2019 đối với công nhân xây dựng Campuchia và Trung Quốc trong các dự án của Trung Quốc ở Sihanoukville cho thấy công nhân Trung Quốc có thu nhập gấp bốn lần rưỡi so với đồng nghiệp Campuchia, trong điều kiện làm việc khó khăn như nhau. Nghiên cứu không xác định tỷ lệ lao động địa phương, song có một số lượng đáng kể.

Ngoài ra, một bài báo khác cũng chỉ ra rằng "có rất ít sự khác biệt giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và không phải Trung Quốc về điều kiện làm việc và quyền lao động cho người lao động Campuchia."

Có một số ngoại lệ đối với việc thuê người địa phương. Ví dụ ở Lào, các nhà thầu phụ xây dựng tuyến đường sắt Côn Minh-Vientiane đã thuê nhiều người dân địa phương, nhưng khi dự án gặp khó khăn về tài chính, họ nhận thấy rằng người dân địa phương ít có khả năng tiếp tục làm việc hơn lao động Trung Quốc trong thời gian họ chưa nhận được lương. 

Dù vậy, xu hướng bản địa hóa việc làm là khá rõ ràng. Ở Trung Á, kể từ năm 2015 đến nay đã không có thỏa thuận đường bộ, đường sắt hoặc nhà máy điện hydrocarbon nào được ký kết với các khoản vay của Trung Quốc.

Thay vào đó là các liên doanh xây dựng năng lực công nghiệp hướng tới xuất khẩu, thường là sang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (thị trường Trung Quốc đã bão hòa với các sản phẩm như vậy).

Điều này kết hợp với việc nhượng bộ dần dần trong tiếp cận thị trường từ phía Trung Quốc, ví dụ như lúa mạch của Kazakhstan và Nga đã được cấp quyền tiếp cận thị trường trong khi Trung Quốc ngăn chặn lúa mạch của Australia.

Xu hướng này cũng đã được phản ánh ở các nơi khác. Một nhóm nghiên cứu của Đại học Boston đã chỉ ra rằng kể từ năm 2016, các cam kết cho vay mới của ngân hàng chính sách Trung Quốc cho các nước khác đã giảm đáng kể.

Theo tổ chức Rhodium, hoạt động cho vay toàn cầu của các ngân hàng chính sách của Trung Quốc cho các quốc gia khác đang giảm, trong khi hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại Trung Quốc trên thế giới lại tăng lên trong thời gian đại dịch COVID-19.

Phần lớn sự thay đổi trên là tự nhiên, khi các công ty tránh các điều kiện ngày càng cạnh tranh và đắt đỏ ở Trung Quốc. Bắc Kinh và các chính phủ tiếp nhận vốn đã nắm bắt được điều này và ở một số nơi, chẳng hạn như Kazakhstan, đang xây dựng các kế hoạch chính sách công nghiệp hóa chung.

Đây là giai đoạn tiếp theo của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ thương mại của Trung Quốc cho liên doanh ở các nước thứ ba. Những loại dự án này đương nhiên sử dụng lao động địa phương và là các dự án sản xuất hàng xuất khẩu.

Bài viết cho rằng đây là một trò chơi có chủ đích nhằm tăng cường sự phụ thuộc vào Trung Quốc (bằng cách cung cấp các lợi ích thực sự, không tạo ra bẫy nợ), cũng như để thúc đẩy nền kinh tế nội địa của Trung Quốc.

Xu hướng này cũng sẽ là không dễ dàng đối với các công ty Trung Quốc. Các điều kiện kinh tế và chính trị trong nước ở nhiều nền kinh tế mới nổi gây không ít khó khăn cho sự phát triển của các ngành xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc và các công ty Trung Quốc đang lắng nghe yêu cầu của địa phương và điều chỉnh các hoạt động của họ sao cho phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục