Nhân rộng mô hình điều trị trầm cảm tại cộng đồng

Dự án phát triển mô hình chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm đã được triển khai ở Đà Nẵng, Khánh Hòa rất cần được nhân rộng.
Được tổ chức Atlantic Philanthropies tài trợ với sự điều hành của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF), Dự án phát triển mô hình chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm đã được triển khai thực hiện tại 7 xã gồm Hòa Cường Nam, Hòa Phong, Hòa Minh, Tam Thuận, Mâm Thái, Hòa Cường Bắc và Hòa Nhơn của thành phố Đà Nẵng; 5 xã thuộc tỉnh Khánh Hòa là Vĩnh Ngọc, Phước Tân, Diên Sơn, Phước Hòa và Diên Phú kể từ năm 2009.

Đây là mô hình mang lại hiệu quả về nhiều mặt trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, rất cần được nhân rộng.

Cộng đồng chung tay

Ông Đinh Thái Sơn, Điều phối viên dự án cho biết, dự án phát triển mô hình chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm thực hiện trên địa bàn Đà Nẵng và Khánh Hòa sẽ kết thúc vào năm 2012, mục tiêu cụ thể là tăng cường tính sẵn có và tăng cường sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị bệnh trầm cảm tại cộng đồng. Tạo dựng nên mô hình bệnh viện-trạm y tế-các tổ chức xã hội-người nhà bệnh nhân cùng chung tay chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Nếu như từ trước đến nay, người bị trầm cảm thường phải có người nhà trực tiếp đưa đến cơ sở y tế khám, sau đó điều trị theo phác đồ của bác sĩ chủ yếu bằng các loại thuốc đặc trị và liệu pháp vật lý một cách thụ động. Nhưng bằng mô hình can thiệp của dự án chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng, người bệnh sẽ được mạng lưới cộng tác viên thuộc các tổ chức đoàn thể địa phương tìm hiểu, phát hiện, sau đó vận động và thuyết phục họ tự giác đến khám tại cơ sở y tế xã, phường để sàng lọc phát hiện bệnh, sau đó họ được điều trị và theo dõi quản lý ngay tại cộng đồng.

Đặc biệt, bằng liệu pháp tâm lý kích hoạt hành vi (BA) được sửa đổi và sử dụng phù hợp, người mắc bệnh trầm cảm có thể lựa chọn phương pháp điều trị, nhất là giảm thiểu dùng thuốc tới mức tối đa theo nguyện vọng, đã tạo nên sự tương tác bình đẳng giữa thầy thuốc với bệnh nhân trong quá trình điều trị. Đây chính là sự khác biệt mang tính vượt trội về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các cơ sở y tế được thụ hưởng dự án, so với các cơ sở y tế khác trên cùng địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Bà Huỳnh Thị Tùng,Trưởng trạm Y tế phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) nhận xét, dự án chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng đã giúp đội ngũ thầy thuốc ở cơ sở đúc rút thêm kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe tâm thần, góp phần giảm tải cho Bệnh viện Tâm thần thành phố, nhất là giảm tới 80% chi phí cho gia đình bệnh nhân so với phương pháp điều trị truyền thống và giảm kỳ thị trong cộng đồng về căn bệnh này. “Vì đến con nít cũng biết biểu hiện tâm thần nhờ thông qua tờ rơi, các buổi tuyên truyền lồng ghép nội dung ở các buổi sinh hoạt tại các tổ dân phố,” Bà Tùng khẳng định. Nhờ đó, Trạm đang quản lý và điều trị 92 ca tâm thần phân liệt; 5 ca động kinh, 23 ca trầm cảm và đều có tiến triển tốt, riêng hàng chục ca trầm cảm đã hồi phục hòa nhập với cộng đồng.

Theo chị Trần Thị Ánh T, Trưởng ban công tác Mặt trận khối phố Phước Lý, phường Hòa Minh và là cộng tác viên của Dự án, chị cũng từng có thời gian trầm cảm, hiện đang đảm trách 6 bệnh nhân, thì hiệu quả của Dự án trước hết là đã hình thành được mạng lưới cộng tác viên ngay tại cộng đồng dân cư, thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ. Chính họ là những người phát tờ rơi và trực tiếp phổ biến nội dung chăm sóc sức khỏe tâm thần tới từng gia đình trong cộng đồng.

Nhờ lợi thế là người cư ngụ tại xóm ấp, xã phường nên cộng tác viên của Dự án khá am hiểu về tình cảnh từng gia đình, cộng với kinh nghiệm làm công tác vận động quần chúng, nên họ có thể phát hiện sớm và dễ dàng tiếp cận được với những người có dấu hiệu trầm cảm “đang phát tín hiệu cấp cứu”, qua đó giải thích cho người bệnh hiểu rõ về trạng thái bệnh tật để tự tin vượt qua, đồng thời thuyết phục người bệnh lựa chọn giải pháp chữa trị phù hợp.

Ông Cao C ngụ tại xã Diên Sơn - Khánh Hòa, một trong những người mắc trầm cảm được chữa trị thành công từ Dự án giãi bày: Vì kinh tế gia đình sa sút, ông đã trải qua 2 năm mất ngủ dẫn tới tai biến mạch máu não nhẹ và đã nhiều lần muốn đoạn tuyệt với cuộc sống. Nhờ được cộng tác viên kiên trì đến tận nhà động viên thuyết phục, ông đã mạnh dạn vượt qua mặc cảm và tự giác tuân thủ điều trị bệnh trầm cảm của mình, theo phương pháp tâm lý trị liệu mà không phải dùng thuốc đúng như chỉ dẫn của Trạm Y tế xã. Nên chỉ sau 2 tháng ông đã hồi phục, tự tin và yêu cuộc sống như xưa. “Dự án chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng đã sinh ra tôi lần thứ hai” - ông Cao C xúc động nói.

Hiệu quả bền vững

Đến thăm Bệnh viện Tâm thần Khánh Hòa, điều cảm nhận được trước tiên đó là khu nhà điều trị bệnh nhân tâm thần bằng liệu pháp tâm lý nổi bật bởi sự tươi mới và vững chãi, được xây dựng từ nguồn Dự án chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng với tổng trị giá 5 tỷ đồng. Khu nhà này gồm có các phòng tập hồi phục sức khỏe, phòng tâm lý cá nhân, phòng giáo dục kỹ năng giao tiếp xã hội, phòng học nghề... cho bệnh nhân tâm thần.

Theo nhận xét của Tiến sĩ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đinh Thị Hoan, đây là liệu pháp chữa trị mới mang lại thành công đáng kể, bệnh nhân hồi phục sức khỏe tâm thần nhanh hơn, ít bị tái phát và giảm thiểu được lượng thuốc phải sử dụng so với liệu pháp chữa trị truyền thống. Riêng thông qua việc bệnh nhân học vẽ tại phòng tranh, y bác sĩ có thể nhận biết được diễn biến tâm thần của họ để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Do đó, mặc dù Bệnh viện Tâm thần Khánh Hòa đang phải điều trị nội trú cho 130 bệnh nhân tâm thần, trong đó đa số bị tâm thần phân liệt nhưng bầu không khí tại đây vẫn thanh bình như một khu nghỉ dưỡng. Đặc biệt, bệnh nhân không bị nuôi nhốt hoặc cách ly theo từng khu như thường thấy ở các bệnh viện tâm thần khác. Trước 3 bữa ăn hàng ngày, bệnh nhân được tự do đi lại và tự lấy khẩu phần ăn của mình như những người bình thường. Nếu như họ không mặc đồng phục bệnh nhân thì khó có thể biết họ mắc bệnh tâm thần. “Do được điều trị bằng liệu pháp tâm lý là chính nên bệnh nhân khá tỉnh táo vì ít phải dùng thuốc” - cán bộ liệu pháp Lý Thị Thanh Phương giải thích.

Cũng từ mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng của Dự án, những trường hợp trầm cảm không quá nặng, hoặc bệnh nhân có tiến triển rõ rệt, Bệnh viện Tâm thần Khánh Hòa đều đưa về cộng đồng. Tại đây họ vẫn được Trạm Y tế chăm sóc theo phác đồ điều trị của bác sĩ, thậm chí một số người tiếp tục trở lại đảm nhận công việc mà trước kia họ đã làm. Vì khi được trở lại với môi trường sống thân thuộc, bệnh nhân tâm thần sẽ lấy lại cân bằng tâm sinh lý nhanh hơn. Tiêu biểu như ông Lê Văn K từng là bệnh nhân tâm thần “lưu niên” 2 năm liền trong Bệnh viện. Sau 6 tháng điều trị liệu pháp tâm lý kết hợp dùng thuốc đặc trị với liều lượng giảm, ông đã dần tỉnh táo trở lại và nay cùng sinh hoạt với gia đình bình thường.

Theo kết quả đánh giá sơ bộ của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam: Sau 2 năm triển khai Dự án phát triển mô hình chăm sóc kết hợp từng bước trong điều trị trầm cảm tại 12 xã phường trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa, các cơ sở y tế đã sàng lọc sơ bộ 27.410 người, chẩn đoán và điều trị được 505 người mắc bệnh trầm cảm.

Mục tiêu của Dự án đặt ra là phù hợp với Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Việt Nam, nhất là nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Theo đó, ngoài xây dựng nên hệ thống mạng lưới hỗ trợ toàn diện, Dự án còn cung cấp được các dịch vụ tại cộng đồng như sàng lọc, giáo dục tâm lý, kê đơn thuốc phù hợp, theo dõi và quản lý điều trị, kết nối giữa các chuyên gia và đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp mọi người hiểu thấu đáo hơn bệnh trầm cảm để chủ động tìm kiếm dịch vụ nhằm phát hiện sớm, làm giảm mức độ trầm trọng của trầm cảm, đồng thời giảm sự kỳ thị của cộng đồng đối với những người mắc bệnh này.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Tấn Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa khẳng định, mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng của Dự án thực thi tại 5 xã của tỉnh mang tính bền vững lâu dài, phù hợp với thực tế của địa phương nên được chính quyền các cấp ủng hộ; thích ứng khả năng tiếp nhận của cộng đồng xã phường và có thể lồng ghép vào Chương trình quốc gia mục tiêu bảo vệ chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng. Mô hình này chắc chắn sẽ được tỉnh Khánh Hòa đầu tư nhân rộng trong thời gian tới./.

Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục