Nhân tố có thể chi phối mục tiêu sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng Abe

Đối với Thủ tướng Shinzo Abe, một chiến thắng dễ dàng tại cuộc bầu cử thượng viện mùa Hè năm 2019 là điều cần thiết nếu ông muốn thúc đẩy mục tiêu chính trị đề ra từ lâu là sửa đổi Hiến pháp hòa bình.
Nhân tố có thể chi phối mục tiêu sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng Abe ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Kyodo, đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một chiến thắng dễ dàng tại cuộc bầu cử thượng viện vào mùa Hè năm 2019 là điều cần thiết nếu ông muốn thúc đẩy mục tiêu chính trị đề ra từ lâu là sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu đảng Dân chủ Tự do (LDP) và các chính đảng ủng hộ việc sửa đổi này có đủ sức giành được thế đa số 2/3 tại Thượng viện hay không, một điều kiện quan trọng mà Thủ tướng Abe cần có được trước khi tìm cách hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Một trong những rủi ro chính là ông Abe có thể sẽ không giành được sự ủng hộ của các cử tri trên mặt trận ngoại giao, nhất là khi tiến trình đàm phán về vấn đề lãnh thổ với Nga có vẻ như khó khăn hơn rất nhiều so với dự tính.

Shinzo Abe, người từng phải từ chức vì lý do sức khỏe sau một năm cầm quyền từ năm 2006 song đã quay trở lại chính trường vào cuối năm 2012, có khả năng trở thành Thủ tướng Nhật Bản tại nhiệm lâu nhất vào tháng 11/2019 nếu mọi chuyện suôn sẻ.

Giới phân tích chính trị cho rằng ông đang tìm mọi cách để hoàn thành những gì mà ông xem là có thể ghi dấu ấn lịch sử trong 3 năm cuối nhiệm kỳ trên cương vị lãnh đạo LDP.

Nhà lãnh đạo 64 tuổi theo đường lối bảo thủ, có được các cử tri trung thành nhờ lập trường cứng rắn của ông đối với Triều Tiên, hy vọng có thể hồi hương những công dân Nhật Bản từng bị Bình Nhưỡng bắt cóc trong giai đoạn những năm 1970-1980.

Tuy nhiên, mục tiêu ngoại giao này khó có thể có nhiều tiến triển trong ngắn hạn, một phần bởi sự trì trệ trong tiến trình đàm phán ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng.

[Những ẩn ý trong kế hoạch nâng cấp quốc phòng của Nhật Bản]

Những lực lượng ủng hộ cải cách hiến pháp hiện vẫn nắm 2/3 số ghế lưỡng viện Quốc hội, đảm bảo đáp ứng đủ yêu cầu cần thiết để thúc đẩy tiến trình sửa đổi bổ sung.

Tuy nhiên, đề xuất này cuối cùng cũng vẫn phải được thông qua một cuộc trưng cầu ý dân trước khi được triển khai. Số ghế mà các nhà lập pháp ủng hộ việc sửa đổi mới chỉ vượt mức đa số tối thiểu tại Thượng viện, vì vậy LDP cần đảm bảo nhiều ghế nhất có thể.

Các cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra 3 năm một lần, với một nửa số ghế sẽ được đưa ra để bỏ phiếu. Theo cải cách hệ thống bầu cử, sẽ có 124 ghế nghị sỹ được cạnh tranh trong cuộc bầu cử năm 2019, nhiều hơn 3 ghế so với thông lệ.

Một khả năng có thể xảy ra là Thủ tướng Abe sẽ mạo hiểm giải tán Hạ viện để tổ chức một cuộc bỏ phiếu song song với bầu cử thượng viện, dù nhiệm kỳ 4 năm của Hạ viện quyền lực hơn tới tận tháng 10/2021 mới kết thúc.

Giáo sư chính trị Masahiro Iwasaki, làm việc tại Đại học Nihon, cho rằng bầu cử song song là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra bởi khối cầm quyền có thể được lợi từ tâm lý hào hứng của cử tri sau khi Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị vào ngày 30/4/2019, sự kiện lần đầu tiên diễn ra trong vòng 200 năm qua, và sau đó là lễ lên ngôi của Thái tử Naruhito.

Giáo sư Iwasaki nói: “Người dân Nhật Bản có thể sẽ có tâm lý tích cực đối với sự kiện liên quan tới hoàng gia. Trong bầu không khí này, họ ít khó khả năng phản đối những thay đổi hay đi bỏ phiếu chống lại chính phủ đương nhiệm,” và bối cảnh này “có thể là cơn gió thuận đối với liên minh cầm quyền.”

Nhà bình luận chính trị Norio Toyoshima cho rằng một kết quả bất lợi trong cuộc bầu cử thượng viện, hoặc bầu cử song song, sẽ gây thiệt hại đáng kể cho chính phủ của ông Abe và đặc biệt là mục tiêu sửa đổi Hiến pháp.

Thủ tướng Abe còn có thể thất bại trong việc tạo dựng một di sản chính trị khác là hoàn tất hiệp ước hòa bình thời hậu chiến với Nga. Hồi tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc hoàn tất hiệp ước hòa bình căn cứ trên tuyên bố chung năm 1956 mà Moskva cam kết trao trả 2 trong số các hòn đảo tranh chấp về cho Tokyo.

Tranh cãi về các đảo đá ở Hokkaido do Liên bang Xôviết kiểm soát từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai là rào cản ngăn hai nước hoàn tất một hiệp ước hòa bình.

Theo các nguồn tin chính phủ, Thủ tướng Abe dự kiến thăm Nga vào tháng 1/2019 để tham gia các cuộc đàm phán về hiệp ước này, tiến tới hoàn tất thỏa thuận vào tháng 6 khi ông Putin tới Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka.

Việc Thủ tướng Abe tập trung vào thỏa thuận năm 1956 khiến nhiều người cho rằng ông trước hết sẽ ưu tiên việc đòi lại hai hòn đảo Shikotan và Habomai. Trong nhóm đảo tranh chấp, được Nhật Bản gọi là Các vùng lãnh thổ phương Bắc và Nga gọi là quần đảo Kurils, còn có đảo Etorofu và Kunashiri.

Cuộc thăm dò dư luận do Kyodo tiến hành hồi giữa tháng 12 cho thấy 53,2% số người được hỏi ủng hộ cách tiếp cận hiện nay của chính phủ với mục tiêu đòi lại cả 4 hòn đảo.

Tuy nhiên chưa rõ liệu Tổng thống Putin có chấp nhận nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ đã kéo dài nhiều thập kỷ này hay không./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục