Nhân tố Hy Lạp chi phối giá vàng, phủ bóng đen lên chứng khoán

Thị trường vàng phục hồi nhẹ, song thị trường chứng khoán cả ở châu Á và châu Âu đều hầu hết đi xuống trong bối cảnh Hy Lạp không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế.
Nhân tố Hy Lạp chi phối giá vàng, phủ bóng đen lên chứng khoán ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Bước sang phiên giao dịch chiều ngày 26/6, trên thị trường châu Á, giá vàng phục hồi từ mức thấp nhất của hơn hai tuần qua trong bối cảnh Hy Lạp không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế.

Tuy nhiên, đà tăng của vàng bị hạn chế do những đồn đoán về khả năng tăng lãi suất của Mỹ.

Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore, vào lúc 13 giờ 45 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.174,2 USD/ounce. Giá kim loại quý này phiên 25/6 đã rơi xuống 1.171,02 USD/ounce - mức thấp nhất kể từ ngày 8/6.

Nếu Hy Lạp và các chủ nợ không đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này, sẽ không còn đủ thời gian để các biện pháp cải cách kinh tế được Quốc hội Hy Lạp thông qua trước ngày 30/6. Việc đạt thỏa thuận về chương trình cải cách của Hy Lạp là điều kiện để các chủ nợ giải ngân nốt 7,2 tỷ euro trong gói cứu trợ dành cho Athens từ năm 2010.

Nếu có được số tiền này, Hy Lạp sẽ trả được khoản nợ 1,6 tỷ euro phải thanh toán cho IMF ngày 30/6 và tránh được nguy cơ phá sản.

Những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cũng đã gây áp lực cho giá vàng, giữ kim loại quý này dao động trong biên độ hẹp.

Giá vàng chủ yếu được giao dịch trong khoảng 1.160 USD - 1.230 USD/ounce kể từ giữa tháng Ba tới nay và hiện đang phải “vật lộn” để bứt phá lên mức cao hơn cho dù cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang là chủ đề “nóng” trên thị trường.

SPDR Gold Trust GLD, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 0,97% từ mức 706,37 tấn trong phiên 24/6 lên 713,23 tấn phiên 25/6.

Cũng trong phiên giao dịch ngày 26/6, chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống trong khi chứng khoán Trung Quốc chịu tác động tiêu cực bởi những lo ngại về việc cổ phiếu nước này đang bị "thổi" giá.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 65,25 điểm (0,31%), xuống 20.706,15 điểm.

Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng hạ 86,80 điểm (1,54%), xuống 5.545,90 điểm.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đua nhau đỏ sàn.

Đáng chú ý là chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải để mất tới 7,4%, tương đương 334,91 điểm, xuống 4.192,87 điểm, chủ yếu do giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước những nghi ngại về việc thị trường này đang vượt quá giá trị thực.

Như vậy Shanghai Composite đã giảm 6,37% trong cả tuần qua. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng mất 481,88 điểm (1,78%) phiên cuối tuần, đóng cửa ở mức 26.663,87 điểm, do lo ngại về nguy cơ Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và diễn biến ảm đạm tại thị trường Thượng Hải.

Tình hình bế tắc tại Hy Lạp cũng là nguyên nhân khiến các thị trường chứng khoán châu Âu đua nhau hạ điểm trong phiên mở cửa ngày 26/6.

Tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,37%, xuống 6.782,75 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng lùi 0,62%, xuống 5.010,22 điểm. Trong khi tại thị trường Frankfurt, chỉ số DAX 30 của Đức hạ 0,75%, xuống 11.387,13 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục