Nhân viên nhân đạo của Mỹ bị nhóm Mujao cực đoan bắt cóc tại Niger

Ngày 16/10, Bộ Nội vụ Niger thông báo một nhân viên nhân đạo người Mỹ bị bắt cóc tại nước này 2 ngày trước có thể đang bị các phần tử cực đoan của Mujao giam giữ.
Nhân viên nhân đạo của Mỹ bị nhóm Mujao cực đoan bắt cóc tại Niger ảnh 1Nhân viên nhân đạo của Mỹ bị bắt cóc tại Niger Jeffery Woodke. (Nguồn: Youtobe)

Ngày 16/10, Bộ Nội vụ Niger thông báo một nhân viên nhân đạo người Mỹ bị bắt cóc tại nước này 2 ngày trước có thể đang bị các phần tử cực đoan của Phong trào vì Thống nhất và Thánh chiến Hồi giáo tại Tây Phi (hay còn gọi là Mujao) giam giữ. Đây là người Mỹ đầu tiên bị bắt cóc tại Niger.

Nhân viên nhân đạo nói trên được xác định là Jeffery Woodke, sống tại thị trấn miền Trung Abalak thuộc khu vực Tahoua kể từ năm 1992 khi làm việc cho JEMED, một nhóm nhân đạo chuyên hỗ trợ cộng đồng người Tuareg địa phương.

Woodkle đã bị bắt cóc ngay tại ngôi nhà của mình. Những kẻ bắt cóc đã xông vào nhà của Woodkle vào khoảng 21 giờ (giờ địa phương) ngày 14/10 vừa qua và giết chết 2 bảo vệ trước khi bắt cóc nhân viên nhân đạo này sau đó đưa tới khu vực phía Đông.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Niger Mohamed Bazoum cho biết các lực lượng chức năng đã lần theo dấu những kẻ bắt cóc qua biên giới sang lãnh thổ Mali, hướng tới Menaka, khu vực do nhóm Mujiao có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda kiểm soát.

Theo quan chức trên, Woodke có thể bị Mujao bắt cóc hoặc đã bị những đối tượng bắt cóc giao nộp cho tổ chức khủng bố này.

Trước đó, Mujao đã bắt cóc một vài người nước ngoài tại khu vực bất ổn Abalak.

Các đường biên giới của Niger dài nhưng canh phòng rất lỏng lẻo, dễ bị các nhóm phiến quân có vũ trang tại các nước láng giềng tấn công. Trước đó vào năm 2011, 2 thanh niên người Pháp đã bị bắt cóc tại một nhà hàng ở thủ đô Niamey và thiệt mạng trong cuộc giải cứu.

Năm 2015, 5 nhân viên của tập đoàn năng lượng Pháp Areva cũng đã bị các tay súng của nhóm Hồi giáo Magreb (AQIM) có liên hệ với al-Qaeda bắt cóc tại một mỏ khai thác uranium ở Arlit, miền Bắc Niger./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục