Nhập khẩu năng lượng từ Lào - Quyết tâm đóng điện trước 31/3

Tất cả các đơn vị tham gia đã tập trung bố trí lực lượng giám sát, thi công để đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án đón nguồn năng lượng nhập khẩu từ Lào theo kế hoạch là trước 31/3.
Nhập khẩu năng lượng từ Lào - Quyết tâm đóng điện trước 31/3 ảnh 1Thi công, lắp đặt thiết bị trạm biến áp 500kV Pleiku 2. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Để đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án đón nguồn năng lượng nhập khẩu từ Lào theo kế hoạch là trước 31/3, tất cả các đơn vị tham gia, đặc biệt là các nhà thầu xây lắp, tư vấn thiết kế và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã tập trung bố trí lực lượng giám sát, thi công.

Hơn 1.000 cán bộ công nhân sẽ ở lại làm việc trên toàn tuyến trong những ngày Tết cổ truyền Bính Thân này đã nói lên tinh thần quyết tâm đó.

Trạm biến áp 500kV Pleiku 2 là điểm nút quan trọng giảm tải cho trạm 500kV Pleiku hiện hữu đã mở rộng nhiều lần mà vẫn chưa đáp ứng được năng lực truyền tải.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 Đặng Văn Nghĩa, đơn vị thi công trạm cho biết, vì tiến độ gấp lại trùng với Tết Nguyên đán nên công ty đang duy trì 450 cán bộ công nhân làm việc.

Riêng trong dịp Tết sẽ có 200 công nhân gồm Ban chỉ huy công trường, cán bộ kỹ thuật và công nhân ở lại trực 3 ca 4 kíp.

So với các trạm 500kV khác thì đây là trạm được đầu tư thiết bị đồng bộ và hiện đại hơn. Hiện chuyên gia của hãng Simen đang hướng dẫn cán bộ công nhân công ty lắp đặt thiết bị mới tại trạm như máy cắt 500kV và chuyển giao công nghệ.

“Theo kế hoạch là trước 30/3 trạm sẽ đóng điện nhưng chúng tôi đang cố gắng hoàn thành trước thời điểm này,” ông Nghĩa cam kết.

Không khí làm việc tại các công trường vẫn hối hả và khẩn trương vì tiến độ đang gần kề. Mặc dù không được về quê sum họp ăn Tết với gia đình nhưng từ người cán bộ đến mỗi công nhân ai ai cũng cảm thấy ấm áp vì được lãnh đạo các đơn vị động viên, tổ chức cho ăn Tết ngay tại công trường.

Cung cấp toàn bộ cột thép cho trạm 500kV Pleiku 2, Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam còn đảm nhận thi công hơn 70km đường dây 220kV Xekaman 1 (Hatxan) - Pleiku 2 (phần trên lãnh thổ Việt Nam).

Ông Ngô Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc cho biết, phần móng đã hoàn thành hơn 90% khối lượng và cột được khoảng 50%. Dự kiến hơn 400 CBCNV sẽ ở lại ăn Tết và tiếp tục thi công trên công trường.

“Chúng tôi sẽ dự kiến ra quân từ ngày mùng 2 Tết để đảm bảo tiến độ đóng điện hai dự án vào tháng 3 cùng với thời điểm phát điện Nhà máy thủy điện Xekaman 1 của Lào,” ông Cường nói.

Chi nhánh Sông Đà 11.5 thi công 92 vị trí với 35,2km đường dây 220kV Xekaman 1 (Hatxan) - Pleiku 2.

Tại vị trí 121 thuộc xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thày, Kon Tum, Chỉ huy trưởng công trường Nguyễn Tuân bày tỏ, khó khăn nhất trong quá trình thi công là công tác đền bù bồi thường khi qua rừng cao su. Một số hộ dân đưa ra mức đền bù gấp 2-3 lần đơn giá nhà nước quy định.

“Mặc dù vậy, được Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung thường xuyên cử cán bộ đeo bám công trường đã cùng nhà thầu xử lý những khó khăn vướng mắc nhằm đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ,” ông Tuân chia sẻ.

Chỉ huy trưởng Nguyễn Tuân cũng cam kết, với gần 300 công nhân đang làm việc trên công trường, hiện phần móng đơn vị đã hoàn thành, phần cột đạt được 80% khối lượng và đang kéo dây khoảng néo đầu tiên. Như vậy, cuối tháng 3 tới sẽ kịp tiến độ đóng điện dự án.

Công ty Cổ phần Xây dựng điện 12 đảm nhận thi công gói thầu 21 vị trí móng với 8,2km đường dây 220kV này. Đến cuối tháng 1, bên cạnh phần móng công ty đã hoàn thành xong, phần cột cũng được 80% khối lượng.

Tại vị trí 254 thuộc xã Ia Dêr, huyện Iagrai, Gia Lai, Phó Giám đốc Công ty, ông Đào Hữu Chuộng chia sẻ, trong quá trình thi công gói thầu này, công ty cũng gặp khó khăn do đường dây vượt qua nhiều rừng cao su và càphê nên phải tăng giàn giáo đủ độ cao để kéo qua.

Bên cạnh đó, thời tiết của Tây Nguyên đang có gió mùa nên khiến cho năng suất kéo dây cũng giảm.

“Với việc tổ chức 6 tổ thi công gồm 80 công nhân, làm thông tầm từ sáng đến chiều để kịp tiến độ, sang tháng 3, công ty sẽ hoàn thành đóng điện gói thầu này,” ông Chuộng cam kết.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho hay, nhận thức được tầm quan trọng của các dự án về sớm ngày nào sẽ khắc phục tình trạng phải truyền tải cao trên đường dây 500kV từ miền Bắc vào miền Nam, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện ở miền Nam ngày ấy.

Cùng với đó, có 4 mạch 500kV từ Pleiku đi thành phố Chí Minh, khi tách đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông sẽ tăng tải thêm khoảng 500MW vào thời điểm tháng 3, trước mùa khô năm nay.

Với ý nghĩa quan trọng của cụm dự án, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các dự án này.

Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, ngay từ khi triển khai các dự án, Chính phủ đã có công điện gửi chính quyền các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPT chỉ đạo trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và làm các thủ tục liên quan đến kế hoạch sử dụng đất.

Vì vậy, các địa phương đã tạo điều kiện song song với tiến hành kê kiểm, hoàn thiện thủ tục, tạm thời tiến hành áp giá thỏa thuận, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

“Cùng với việc điều độ hàng quý, hàng tháng, EVN và EVNNPT còn tạo điều kiện ứng vốn cho nhà thầu thi công trong khi chưa huy động được vốn. Mặc dù công tác triển khai chậm nhưng với thời gian thi công khoảng 7 tháng, vừa thi công, vừa tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, vừa mua sắm vật tư thiết bị nhưng đến thời điểm này, tiến độ đóng điện trong tháng 3 là thực hiện được,” ông Tuyển cho biết.

Hiện 20% khối lượng thi công còn lại chủ yếu là hành lang tuyến để kéo dây đường dây 220kV Xekaman 1 (Hatxan)-Pleiku 2. Vì vậy Ban Quản lý dự án đã làm việc với chính quyền 7 huyện, thành phố của Gia Lai và Kon Tum, thành lập các tổ công tác vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ngoài việc bố trí lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thường trực trên công trường đôn đốc, giám sát thi công đồng loạt trên toàn tuyến, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung đang yêu cầu các nhà thầu xây lắp bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện máy móc thiết bị thi công trên công trường.

Đồng thời, tranh thủ thời tiết, thời gian (kể cả ngày nghỉ và trong dịp tết Âm lịch Bính Thân 2016, chủ động phối hợp cùng Ban Quản lý và chính quyền địa phương các cấp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ đó, kịp thời phản ánh những vướng mắc khó khăn để các bên cùng tham gia tháo gỡ.

Về phía Công ty cổ phần TVXD điện 4 sẽ cử cán bộ giám sát tác giả có mặt thường xuyên tại hiện trường để xử lý các vướng mắc phát sinh, đảm bảo cho nhà thầu xây lắp thi công đúng tiến độ.

Đây là giai đoạn các đơn vị tập trung để thi công nước rút, vì vậy, Ban Quản lý dự án cũng đề nghị chính quyền các địa phương có tuyến đường dây đi qua tích cực vận động các hộ dân thực hiện đúng chế độ chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng của Nhà nước.

Trường hợp đã thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng các hộ dân không chấp hành thì chính quyền địa phương cần cương quyết bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế, đảm bảo tiến độ đóng điện các dự án trước ngày 31/3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục