"Nhập vàng không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại tệ"

Theo NHNN, lượng ngoại tệ sử dụng để nhập khẩu vàng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với lượng ngoại tệ đã mua vào tăng dự trữ ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian gần đây có một số ý kiến liên quan tới việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng vàng dự trữ ngoại hối Nhà nước để tăng cung, can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Chiều muộn 8/5, Ngân hàng Nhà nước có văn bản khẳng định: “Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường. Trong đó, có việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng một phần ngoại tệ thuộc dự trữ Ngoại hối Nhà nước để nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng tăng cung cho thị trường. Để triển khai biện pháp nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết”.

Ngân hàng Nhà nước lý giải, việc can thiệp bình ổn thị trường vàng trong thời gian qua hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và tuân thủ các quy định tại Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nghị định 86 về quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường với tư cách người mua bán cuối cùng theo giá thị trường, không bao cấp, bù lỗ và tuân thủ đúng quy định, bảo đảm lợi ích của Nhà nước.

Trên thực tế, về tổng thể, toàn bộ vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng tiêu thụ tại Việt Nam phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu từ nước ngoài; tại một số thời điểm, vàng miếng được xuất khẩu ra nước ngoài để thu ngoại tệ. Do vậy, về bản chất, vàng miếng được lưu thông trong nước cần phải được quản lý như ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, hàng năm, Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu bình quân khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Toàn bộ lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng được lấy từ nền kinh tế. Do vậy, nhập khẩu vàng trên quy mô lớn đã ảnh hưởng lớn đến tỷ giá, CPI, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng kết hợp với hiệu quả của các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tình hình cung cầu ngoại tệ đã cải thiện cơ bản, giảm đáng kể tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu vàng cũng giảm mạnh. Việc chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng đã loại trừ rủi ro liên quan đến vàng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đồng thời xử lý triệt để hiện tượng vàng hóa.

Hơn nữa trong 1 năm qua, các tổ chức tín dụng đã mua được trên 100 tấn vàng trên thị trường trong nước để chi trả cho người dân mà không cần ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước sử dụng để nhập khẩu vàng nhỏ hơn nhiều lần lượng ngoại tệ nền kinh tế phải bỏ ra để nhập khẩu vàng trong những năm trước đây và chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước đã mua vào tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước trong thời gian qua.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng theo quy định tại Nghị định 24 đã góp phần ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát đảm bảo cung cầu ngoại tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng chính là mục tiêu chủ chốt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khi xây dựng và ban hành Nghị định 24.

Ngoài ra, thực hiện chính sách chống vàng hóa nền kinh tế, Nghị định 24 cũng đã có quy định cấm sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán. Trên thực tế, kể từ khi ban hành Nghị định 24, vàng không còn là phương tiện thanh toán phổ biến và nhu cầu đầu tư vàng ở Việt Nam đã giảm rõ rệt.

Như vậy, việc triển khai thực hiện Nghị định 24 đã góp phần quan trọng vào việc tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và giảm đáng kể hiện tượng vàng hóa nền kinh tế./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục