Nhật Bản bắt 5 đối tượng nuôi trái phép cá killi biến đổi gene

Cảnh sát đã mở cuộc điều tra vào năm 2022 sau khi tiếp nhận thông tin cá killi Nhật Bản biến đổi gene được bày bán tại một cuộc triển lãm ở Tokyo.
Nhật Bản bắt 5 đối tượng nuôi trái phép cá killi biến đổi gene ảnh 1(Nguồn: The Spruce Pets)

Ngày 8/3, cảnh sát Nhật Bản cho hay đã bắt giữ 5 người và giao 4 người khác cho công tố viên, với cáo buộc liên quan hoạt động nuôi trái phép cá killi biến đổi gene phát sáng màu đỏ. 

Theo cảnh sát Tokyo, đây là vụ bắt giữ đầu tiên ở Nhật Bản với cáo buộc vi phạm Nghị định thư Cartagenea về an toàn sinh học có hiệu lực từ 2004 nhằm kiểm soát việc sử dụng các sinh vật sống biến đổi gene.

Cảnh sát thu giữ khoảng 1.400 con cá killi biến đổi gene tại các địa điểm liên quan và xác nhận một con cá đã được bán với giá lên tới 100.000 yen (726 USD).

[Phát triển giống cà chua tím biến đổi gene giàu anthocyanin]

Số cá trên đã được xử lý an toàn và được cho là không đe dọa đa dạng sinh học.

Tất cả 9 đối tượng nói trên, trong đó có một cựu sinh viên 35 tuổi của Viện Công nghệ Tokyo, đã thừa nhận các cáo buộc.

Trong số 5 đối tượng bị bắt giữ hôm 6/3, Naoji Aoki, 60 tuổi, bị tình nghi vận chuyển và nuôi cá killi biến đổi gene để bán từ tháng 3-6/2022.

Một nghi phạm khác là Toshikazu Furukawa, 68 tuổi, bị cáo buộc thả một số cá kill vào một kênh thủy lợi ở tỉnh Chiba từ tháng 7-8/2022.

Cảnh sát đã mở cuộc điều tra vào năm 2022 sau khi tiếp nhận thông tin cá killi Nhật Bản biến đổi gene được bày bán tại một cuộc triển lãm ở Tokyo.

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết cá killi biến đổi gene nói trên có nguồn gốc từ số trứng bị sinh viên của Viện Công nghệ Tokyo nói trên lấy cắp từ một phòng thí nghiệm của viện này hơn 10 năm trước đây.

Bộ trên đã khiển trách Viện Công nghệ Tokyo, đồng thời yêu cầu các trường đại học công và tư cũng như các tổ chức nghiên cứu đảm bảo thực hiện các biện pháp kiểm soát thích hợp đối với sinh vật biến đổi gene.

Theo báo cáo điều tra của Viện Công nghệ Tokyo, cựu sinh viên bị bắt giữ từng làm việc tại phòng thí nghiệm xử lý cá nước ngọt biến đổi gene từ 4/2009-3/2012, đồng thời tham gia vào nghiên cứu nhân giống và lưu giữ các sinh vật.

Người này bị cáo buộc đã giao một số trứng cho mẹ của một sinh viên cùng trường, dẫn đến việc phát tán sinh vật biến đổi gene trên.

Cá killi phổ biến như một loài cá cảnh với nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau, được mệnh danh là "viên ngọc bơi lội.”

Loài cá này ngày càng thu hút nhiều người chơi cá cảnh vì đặc điểm dễ nuôi. Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của Hiệp hội Thực phẩm Vật nuôi Nhật Bản, cá killi là vật nuôi phổ biến thứ 3 sau chó và mèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục