Nhật Bản có hưởng lợi nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

Xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc giảm xuống còn 9,3 tỷ USD vào năm ngoái. Có vẻ như sự bế tắc này còn kéo dài lâu hơn nữa trong khi Nhật Bản là thị trường lớn hơn cho nông sản xuất khẩu của Mỹ.
Nhật Bản có hưởng lợi nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất thiết bị y tế ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng The Guardian/World Politics Review/Nikkei Asia Review đưa tin một năm đã trôi qua kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này sẽ sớm kết thúc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cùng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ dẫn đầu đoàn Mỹ tới Trung Quốc vào ngày 29/7, để tiến hành đàm phán thương mại.

Cuối cùng, sau ba cuộc đàm thoại, hai bên đã quyết định gặp gỡ trực tiếp, song giới quan sát dự đoán đàm phán thương mại Mỹ-Trung còn đối mặt với tương lai đầy khó khăn.

Diễn biến của cuộc chiến thương mại

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động cuộc chiến thậm chí trước khi ông bắt đầu nhậm chức.

Đầu năm ngoái, Tổng thống Trump đã thực hiện rất tốt lời hứa của mình khi công bố loạt thuế quan đầu tiên áp lên tấm pin năng lượng Mặt Trời, máy giặt, nhôm và thép.

Để trả đũa, Trung Quốc đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 3 tỷ USD của Mỹ, bao gồm hoa quả tươi, quả hạch, rượu và thịt lợn.

Đến tháng 8/2018, Mỹ và Trung Quốc đã áp mức thuế 25% đối với hàng hóa xuất khẩu sang nhau trị giá 50 tỷ USD.

Sau đó vào tháng 9/2018, Mỹ áp đặt 10% thuế quan đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đáp lại với thuế bổ sung đánh vào hàng Mỹ trị giá 60 tỷ USD.

Các cuộc đàm phán đã quay trở lại khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Argentina vào tháng 12/2018.

Mỹ đã đồng ý từ ngừng kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% và hai bên nhất trí nỗ lực đạt được một thỏa thuận trong vòng 90 ngày.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2019, sau thời hạn chót 90 ngày, các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đã sụp đổ và Mỹ đã nhanh chóng tăng thuế lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

[Mỹ quay sang Nhật khi triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung mờ mịt]

Washington cũng đưa công ty thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen, cấm các công ty Mỹ làm ăn với tập đoàn khổng lồ có trụ sở tại Thâm Quyến này.

Ngày 1/6/2019, Trung Quốc cũng đã tăng thuế lên 25% đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ.

Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản vào tháng trước, Tổng thống Trump đã nhất trí hoãn áp đặt các mức thuế quan mới đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.

Ông Trump tuyên bố sẽ cho phép các công ty Mỹ làm ăn trở lại với Huawei.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đàm phán nhưng có vẻ như hai bên vẫn còn có nhiều bất đồng trong những vấn đề chủ chốt. Kết quả là mối quan hệ thương mại giữa hai bên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong một năm qua, các hành động trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến kim ngạch xuất khẩu của mỗi nước sang nước còn lại giảm gần 20 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc đang phải tái cơ cấu chuỗi cung ứng và điều này có thể tạo ra những thay đổi lớn trong bức tranh thương mại toàn cầu.

Các dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy sự suy giảm trong nền kinh tế toàn cầu đang tập trung ở các nền kinh tế mới nổi.

Trước những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2019 từ 2,3% lên 2,6%, trong khi hạ mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 6,3% xuống còn 6,2%.

Tại Trung Quốc, những tác động tiêu cực của việc gia tăng thuế quan và nhu cầu suy yếu từ bên ngoài đã gây thêm áp lực cho nền kinh tế vốn đang trong giai đoạn suy thoái của Trung Quốc phải cơ cấu và tăng cường điều tiết để kiềm chế sự phụ thuộc cao vào nợ.

IMF cho biết tăng trưởng đã tốt hơn dự kiến ở Mỹ và Nhật Bản trong nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, dù nâng mức dự báo tăng trưởng của Mỹ, IMF vẫn cảnh báo Nhà Trắng về những rủi ro của một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Nhật Bản hưởng lợi nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Về phía Nhật Bản, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể mở ra các cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Một số chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp và tổ chức của Nhật Bản sẽ nắm bắt được các cơ hội để thúc đẩy hoạt động, đặc biệt là trong những lĩnh vực như thực phẩm, may mặc, điều dưỡng và môi trường.

Các sản phẩm và dịch vụ trong những lĩnh vực này của Nhật Bản đã được đánh giá cao tại Trung Quốc.

Kể từ cuối năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã yếu đi một cách rõ rệt khi xuất khẩu chậm lại cũng như đầu tư và tiêu dùng thấp, khiến Chính phủ phải Trung Quốc phải thực thi các biện pháp kích thích quy mô lớn.

Trong quý 2/2019, kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 6,2%, mức thấp nhất trong gần 30 năm.

Đặc biệt, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ, một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế, trong sáu tháng đầu năm nay đã giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến triển vọng của kinh tế Trung Quốc xấu đi.

Theo nhà phân tích Yusuke Miura tại Viện nghiên cứu Mizuho, trước những nhận định cho rằng sự leo thang trong cuộc chiến thuế quan giữa Trung Quốc với Mỹ sẽ làm giảm sút lòng tin tiêu dùng và kinh doanh hơn nữa, và khiến xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc cũng giảm.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản, khi không có nhiều dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán với Mỹ diễn ra suôn sẻ. Cùng với triển vọng ấm lên trong quan hệ giữa hai cường quốc châu Á, người dân Trung Quốc cũng có cái nhìn thiện cảm với Nhật Bản.

Theo khảo sát của nhóm tư vấn Genron NPO tại Nhật Bản, tỷ lệ người Trung Quốc có ấn tượng tốt với Nhật Bản là 42,2% trong năm 2018, tăng 11 điểm so với năm 2017, chủ yếu xuất phát từ sự tăng trưởng kinh tế khá và chất lượng cuộc sống cao của Nhật Bản. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi Genron NPO bắt đầu tiến hành khảo sát vào năm 2005.

Theo một khảo sát khác do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện vào cuối năm ngoái, 43,4% số người Trung Quốc được hỏi cho biết dịch vụ của Nhật Bản tốt và 46,5% nói họ muốn đến Nhật Bản trong tương lai.

Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết lượng du khách Trung Quốc đến Nhật Bản trong năm 2018 đã tăng 13,9%, lên con số kỷ lục 8,38 triệu lượt người.

JETRO cho biết tại Trung Quốc, nhiều người quan tâm hơn đến các sản phẩm của Nhật Bản, trong đó có thực phẩm. Số nhà hàng Nhật Bản tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với năm 2015, lên 40.800 vào năm 2017.

Về quần áo, số chuỗi cửa hàng Uniqlo của Fast Retailing Co. (Nhật Bản) tăng lên 687 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục tính đến cuối tháng 5/2019.

Cơ hội đàm phán thương mại Mỹ-Nhật

Tuần trước, xuất hiện những báo cáo cho rằng các nhà đàm phán Mỹ và Nhật Bản đang đẩy mạnh nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thương mại nhỏ mà ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể ký kết trong cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York vào tháng Chín tới. Những thông tin này có vẻ không giống như một sự trùng hợp.

Ông Trump dường như không còn hy vọng gì cho một thỏa thuận thương mại có thể cung cấp một số trợ giúp cho các nông dân Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách bảo hộ của ông.

Trong bối cảnh Trung Quốc trở thành một trong những thị trường lớn nhất đối với hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ, nỗi đau từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đặc biệt gây nhức nhối với người nông dân Mỹ.

Việc thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi cuối năm ngoái đã có thể mang lại một số hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, ông Trump đã quyết định rút Mỹ ra khỏi TPP ngay trong tuần đầu tiên nhậm chức.

Kết quả là các nhà xuất khẩu Mỹ không có được sự tiếp cận thị trường bổ sung mà họ có thể nhận được ở Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác trong TPP, hiệp định mà sau khi Mỹ rút có tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Washington và Bắc Kinh càng bất hòa trong lĩnh vực thương mại lâu bao nhiêu, khả năng các nhà xuất khẩu Mỹ lấy lại những thị phần mà họ đã đánh mất do sự trả đũa của Mỹ càng ít bấy nhiêu.

Nhật Bản có hưởng lợi nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? ảnh 2Thu hoạch đậu tương tại một nông trang ở bang Iowa, Mỹ. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm từ 19,6 tỷ USD năm 2017 xuống còn 9,3 tỷ USD vào năm ngoái. Có vẻ như sự bế tắc này còn kéo dài lâu hơn nữa.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin có thể tới Bắc Kinh để đàm phán vào cuối tháng 7/2019.

Tuy nhiên, hiện còn chưa rõ tiến trình đàm phán sẽ đạt được bao nhiêu tiến bộ bởi các quan chức Mỹ và Trung Quốc dường như không thể thống nhất được vấn đề khởi đầu cho các cuộc đàm phán sẽ là gì.

Trong bối cảnh chiến dịch tái tranh cử sắp tới, đâu sẽ là khu vực bầu cử quan trọng của ông Trump? Nông dân Mỹ đang không chỉ mất quyền tiếp cận ở Nhật Bản và các thị trường châu Á khác do ông Trump rút Mỹ khỏi TPP.

Kể từ khi 11 quốc gia còn lại tiến tới một thỏa thuận TPP phiên bản mới, các nhà xuất khẩu của Mỹ hiện đang gặp bất lợi vì sản phẩm của họ vẫn phải đối mặt với các mức thuế cao trong khi các nền kinh tế tham gia CPTPP đang giảm thuế cho nhau.

Và bất lợi cạnh tranh có thể khá lớn vì CPTPP bao gồm các cường quốc nông nghiệp, như Australia, Canada và New Zealand.

Vấn đề của CPTPP là một vấn đề lớn đối với nông dân Mỹ bởi so với Trung Quốc, Nhật Bản là thị trường lớn hơn cho nông sản xuất khẩu của Mỹ. Điều đó giải thích cho những nỗ lực đàm phán hiệp định thương mại song phương giữa Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, ưu tiên của Nhật Bản chính là rốt cuộc sẽ thuyết phục được Mỹ quay lại TPP.

Để tạo điều kiện cho khả năng đó, chính phủ của ông Abe đã từ chối đàm phán một hiệp định thương mại song phương lớn như ông Trump muốn có, bao gồm các dịch vụ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và đầu tư.

Nhật Bản cũng đặt ưu tiên cao cho việc đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vì lý do đó, Tokyo đã phản đối một thỏa thuận chỉ giải quyết các rào cản nông nghiệp.

Thực tế hơn, một thỏa thuận chỉ dành cho nông nghiệp sẽ là một vấn đề khó khăn về mặt chính trị vì Nhật Bản là nhà nhập khẩu ròng lớn các sản phẩm nông nghiệp, và một thỏa thuận như vậy sẽ chỉ có lợi cho Mỹ.

Tuy nhiên, hiện lại có tin đồn cho rằng Tokyo và Washington đang thảo luận về một thỏa thuận nhỏ có thể bao gồm lĩnh vực ôtô cũng như nông nghiệp.

Các nhà đàm phán Nhật Bản nói rõ rằng họ sẽ không cấp thêm bất kỳ sự tiếp cận thị trường nông sản nào, ngoài những gì Mỹ đã đàm phán như một phần của TPP.

Về lĩnh vực ôtô, không rõ hai bên đang thảo luận những gì và liệu Nhật Bản có đưa ra những nhượng bộ, như yêu cầu ban đầu của các nhà đàm phán Mỹ hay không.

Tuy nhiên, Nhật Bản chắc chắn sẽ nhấn mạnh rằng Nhà Trắng cam kết không được áp thuế đối với ôtô của Nhật Bản theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại.

Làm thế nào một thỏa thuận như vậy có khả năng xảy ra? Câu trả lời phụ thuộc một phần vào sự tuyệt vọng của ông Trump. Chính quyền của ông cuối cùng sẽ phải trao khoản bồi thường trị giá 28 tỷ USD cho những nông dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong năm 2018 và 2019.

Tuy nhiên, một số nông dân không đủ điều kiện để được thanh toán, còn những người khác vẫn không hài lòng và nói rằng họ muốn giao thương, chứ không phải nhận trợ cấp.

Vì vậy Nhà Trắng có thể sẵn sàng cam kết miễn thuế nhập khẩu đối với ôtô của Nhật Bản để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Nhật Bản cho nông sản Mỹ.

Tuy nhiên, tại sao ông Abe lại tin một lời hứa như vậy? Vào cuối tháng Năm vừa qua, thời điểm mà Mỹ, Mexico và Canada thực hiện các bước để phê chuẩn phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), được gọi là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), ông Trump đột ngột đe dọa sẽ áp thuế 5% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico trừ khi họ ngăn chặn dòng người di cư đến biên giới phía Nam của Mỹ.

Bên cạnh TPP, Tổng thống Mỹ cũng đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

IMF cho biết các hoạt động chính sách quốc gia và đa phương là rất quan trọng để đặt tăng trưởng toàn cầu trên một nền tảng vững chắc hơn. Nhu cầu cấp bách bây giờ là giảm căng thẳng thương mại và công nghệ, đồng thời nhanh chóng giải quyết những bất ổn xung quanh các hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, có lẽ trong năm tới, các vấn đề thương mại vẫn sẽ tiếp tục bế tắc và nhiều mức thuế sẽ được đưa ra bởi vẫn không có bằng chứng nào cho thấy ông Trump hiểu cách thức chúng thực sự hoạt động như thế nào. Đối với các nông dân và người tiêu dùng Mỹ, điều này có nghĩa là vẫn sẽ chẳng có sự cứu trợ nào xuất hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục