Nhật Bản công bố chiến lược tăng trưởng phiên bản mới

Nội các Nhật Bản công bố chiến lược tăng trưởng phiên bản mới

Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe ngày 24/6 đã thông qua chiến lược tăng trưởng kinh tế phiên bản mới và kế hoạch chi tiết cho các chính sách dài hạn.
Nội các Nhật Bản công bố chiến lược tăng trưởng phiên bản mới ảnh 1Một góc thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe ngày 24/6 đã thông qua chiến lược tăng trưởng kinh tế phiên bản mới và kế hoạch chi tiết cho các chính sách dài hạn nhằm tăng cường tính cạnh tranh công nghiệp quốc tế và tiếp thêm sinh lực cho thị phần của Nhật Bản.

Trong chiến lược này, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ tiến tới xóa bỏ các quy định trong lĩnh vực nông nghiệp, việc làm và y tế, vốn là những lĩnh vực bị chỉ trích là đã ngăn cản nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này giải quyết tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều hoài nghi xung quanh vấn đề liệu các đề xuất kể trên có thể thực thi được hay không trong bối cảnh sẽ xuất hiện những tiếng nói phản đối từ phía khu vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe vốn được bảo hộ bởi những quy định khắt khe.

Chính quyền Abe cũng cam kết sẽ cắt giảm 35% thuế suất doanh nghiệp xuống dưới 30% trong vài năm tới so với tài khóa 2015, theo đề nghị của các chủ doanh nghiệp, do mức thuế suất hiện đang khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Nhật Bản với tốc độ chậm.

Tuy nhiên, đề xuất về thuế xuất hiện một số lo ngại rằng tình hình tài chính của Nhật Bản - được cho là tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế phát triển - có thể sẽ suy giảm trong khi Chính phủ vẫn chưa quyết định sẽ bù đắp thiếu hụt trong các khoản thu từ thuế ra sau khi cắt giảm thuế doanh nghiệp.

Chính phủ bày tỏ sự háo hức trong chiến lược mới nhằm tăng cường “khả năng thu lợi nhuận” của các doanh nghiệp Nhật Bản. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24/6, Thủ tướng Abe cho rằng “một trong những sứ mệnh” của Abenomics là tạo ra sự phục hồi kinh tế trên cả nước bằng cách thúc đẩy chu kỳ đạo đức của nền kinh tế.”

Chiến lược tăng trưởng là “mũi tên thứ ba” trong nhóm các chính sách kinh tế mang tên “Abenomics,” bên cạnh các mũi tên thứ nhất và thứ hai là nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và tăng đầu tư công quy mô lớn.

Theo chiến lược mới, Chính phủ đề nghị Quỹ đầu tư lương chính phủ (GPIF) sửa đổi danh mục đầu tư hiện đang bị thống trị bởi trái phiếu trong nước, theo đó thúc giục GPIF mua lại các tài sản khác với mục tiêu khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán Nhật Bản.

GPIF hiện sở hữu khối tài sản trị giá 129.000 tỷ yen tính đến cuối năm 2013 và là một trong những thiết chế đầu tư lớn nhất thế giới.

Trước mối quan ngại ngày càng lớn rằng suy giảm dân số sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, Chính phủ Nhật Bản quyết định cho phép tiêp nhận thêm nhiều người nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực lao động như giúp việc trong gia đình và chăm sóc y tế nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ Nhật Bản có nhiều thời gian làm công việc bên ngoài hơn.

Tuy nhiên, ông Abe cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản cần “thận trọng” khi tiếp nhận người nhập cư vì “các nước khác cũng từng trải qua một số những khó khăn” để duy trì chính sách này.

Những cải cách dự kiến tiến hành trong lĩnh vực y tế bao gồm một cơ chế mở rộng trong điều trị y tế gắn với các dịch vụ bảo hiểm và phi bảo hiểm theo yêu cầu của bệnh nhân.

Việc gỡ bỏ quy định liên quan đến việc làm chú trọng thúc đẩy cơ chế trả lương dựa vào thành tích cá nhân với trường hợp ngoại lệ cho giới cổ cồn trắng. Cụ thể, các chuyên gia có thể nhận mức lương hàng năm 10 triệu yen trở lên mà không phụ thuộc vào thâm niên mà dựa vào thành tích mà họ đạt được.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, chiến lược tăng trưởng tìm kiếm một cuộc cải tổ Liên minh hợp tác xã nông nghiệp trung ương (CUAC) - tổ chức bảo trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước được biết với cái tên JA-Zenchu - và nới lỏng những hạn chế đối với sự tham gia của các công ty tư nhân vào nông nghiệp.

Với tầm nhìn về một hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định gỡ bỏ thuế quan do Mỹ khởi xướng, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ thúc đẩy sản lượng nông sản xuất khẩu lên 5.000 tỷ yen từ nay đến năm 2030. Trong khi đó, Bộ Nông lâm-Thủy sản sẽ thành lập một ủy ban mới mà ở đó tất cả các bộ sẽ hợp tác để đạt được mục tiêu gia tăng xuất khẩu nông sản Nhật Bản lên mức 1.000 tỷ yen từ nay đến năm 2020.

Kể từ khi chính thức hoạt động vào tháng 12/2012, Nội các Abe đã thông qua chiến lược tăng trưởng vào tháng 6/2013 nhưng hầu hết những đề xuất chính sách đã không đạt được mấy khả quan và gây thất vọng cho các chủ thể tham gia thị trường tài chính, buộc ông Abe phải biên soạn một phiên bản mới.

Trong kế hoạch chính sách dài hạn được thông qua cùng với chiến lược tăng trưởng hôm 24/6, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ tăng ngân sách mạnh mẽ nhằm khắc phục tỷ lệ sinh thấp và duy trì dân số Nhật Bản ở mức 100 triệu người sau 50 năm.

Tokyo cũng cam kết sẽ theo đuổi mục tiêu chuyển cán cân tài chính cơ sở đạt thặng dư từ nay đến tài khoá 2020. Để đảm bảo hợp nhất tài chính, Chính phủ khẳng định trong bản kế hoạch rằng Tokyo sẽ quyết định từ nay đến cuối năm có tăng thuế tiêu dùng của Nhật Bản thêm 2% lên mức 10% vào tháng 10/2015 theo kế hoạch nữa hay không.

Chính quyền Abe cam kết sẽ có những hành động nhằm xoa dịu tác động tiêu cực của việc tăng thuế thêm 3% lên mức 8% hôm 1/4 vừa qua. Đây là đợt tăng thuế đầu tiên trong lộ trình tăng gồm hai giai đoạn nhằm tạo ngân sách cho các khoản chi an sinh xã hội đang phình to do dân số già hóa ở Nhật Bản. Nợ công của Nhật Bản hiện chiếm hơn 200% sản phẩm quốc nội và nợ của chính phủ trung ương đã đạt mức kỷ lục 1 triệu tỷ yen./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục