Nhật Bản đặt mục tiêu then chốt về cải cách tài chính 2020

Chính phủ Nhật Bản ngày 30/6 đã thông qua kế hoạch thực hiện mục tiêu then chốt về cải cách tài chính trong tài khoá 2020.
Nhật Bản đặt mục tiêu then chốt về cải cách tài chính 2020 ảnh 1Hoạt động của tàu quốc tế tại cảng biển Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản ngày 30/6 đã thông qua kế hoạch thực hiện mục tiêu then chốt về cải cách tài chính trong tài khóa 2020, theo đó lợi nhuận từ thuế sẽ gia tăng nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà dẫn đầu là khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí an sinh xã hội đang gia tăng do tình trạng già hoá dân số nhanh chóng.

Theo triết lý cơ bản “không có tài chính lành mạnh nếu không tái thiết kinh tế,” Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn cố gắng duy trì tốc độ tăng chi phí an sinh xã hội ở mức tương đương ba năm trước. Nội các Nhật Bản đã thông qua kế hoạch chi tiết chính sách kinh tế và tài chính.

Ông Abe cho biết kinh tế Nhật Bản hiện sắp chứng kiến những điều kiện thuận lợi nhất trong một phần tư thế kỷ nữa. Ông cho rằng để tận dụng tốt nhất cơ hội này, chính phủ “sẽ thúc đẩy những cải cách kinh tế và tài chính thống nhất với quyết tâm không mệt mỏi.”

Theo kế hoạch trên, Nhật Bản sẽ duy trì mục tiêu đề ra là chuyển cán cân chính sang thặng dư vào tài khoá 2020, qua đó chính phủ kỳ vọng sẽ đạt mức tăng lợi nhuận từ thuế nhờ gói các chính sách phục hồi kinh tế mang tên “Abenomics” với hai biện pháp chủ yếu là nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và chi tiêu tài chính quy mô lớn.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu chính phủ có thể đạt được mục tiêu trên hay không, bởi lẽ kế hoạch này đặt ra mục tiêu Nhật Bản sẽ đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tới hơn 3% về danh nghĩa trong giai đoạn trung và dài hạn, một mức chưa từng thấy trong hơn 20 năm qua.

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chiến lược tăng trưởng nhằm thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp mà trọng tâm là nhằm vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin và tăng cường nhân lực. Để thúc đẩy đầu tư vốn, chính phủ sẽ mở cuộc đối thoại với các doanh nghiệp để giúp các công ty đưa ra những quyết định điều hành táo bạo.

Trong khi tiến hành các biện pháp hỗ trợ và tăng lực lượng lao động nữ, Chính phủ Nhật Bản cũng dự kiến tăng gấp đôi số lượng nhân công nước ngoài đến từ những nước như Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực IT và công nghệ thông tin, lên 60.000 người từ nay đến năm 2020.

Nhật Bản cũng sẽ thu hút hơn 20 triệu khách du lịch hàng năm trước mục tiêu tài khoá 2020, lớn hơn nhiều so với con số hơn 13,41 triệu lượt khách năm 2014, đồng thời tăng gấp đôi lượng tiền chi dùng của các du khách ở Nhật Bản tới 4.000 tỷ yên (tương đương 32,7 tỷ USD).

Liên quan đến phục hồi tài chính, Nhật Bản đặt ra mục tiêu trung hạn là giảm tỷ lệ thâm hụt cán cân chính về GDP xuống 1% từ nay đến năm 2018, so với mức thâm hụt 3,3% cho tài khoá hiện nay.

Mức thâm hụt cán cân này đồng nghĩa với việc Nhật Bản không thể cấp tài chính cho các chi tiêu của chính phủ ngoài các chi phí dịch vụ nợ mà không phát hành trái phiếu mới.

Về chi tiêu, Chính phủ Nhật Bản muốn duy trì mức tăng chi chính sách chung tổng cộng khoảng 1.600 tỷ yên trong 3 năm tài khoá tới, bao gồm khoảng 1.500 tỷ yen chi phí an sinh xã hội như đã thấy 3 năm trước.

Tuy nhiên, kế hoạch cải cách tài chính mô tả các con số trên như là “những chỉ dấu sơ bộ” mà không phải là mục tiêu bắt buộc. Chính phủ sẽ ghi nhận “những tiến triển trong nền kinh tế và giá cả” để quyết định việc chi tiêu.

Nền tài chính của Nhật Bản hiện ở mức tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế công nghiệp hoá lớn với nợ công hơn 200% GDP danh nghĩa, chủ yếu do sự bùng nổ của các chi phí an sinh xã hội hiện nay.

Với giải pháp tái thiết kinh tế địa phương, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định khuyến khích người cao tuổi rời khỏi thành phố Tokyo, nơi có số lượng người cao tuổi đang gia tăng chóng mặt, gây sức ép lớn lên hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục