Nhật Bản đề nghị Mỹ hạn chế các chuyến bay của máy bay Osprey

Nhật Bản đã đề nghị Mỹ hạn chế các chuyến bay của máy bay trực thăng vận tải đa năng hạng nặng Osprey tại Nhật Bản, sau khi một máy bay loại này gặp nạn ở ngoài khơi Australia.
Nhật Bản đề nghị Mỹ hạn chế các chuyến bay của máy bay Osprey ảnh 1Máy bay MV-22B Osprey hạ cánh xuống tàu sân bay USS Gerald R. Ford tại căn cứ hải quân Norfolk ở Virginia, Mỹ ngày 22/7. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 6/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết Nhật Bản đã đề nghị Mỹ hạn chế các chuyến bay của máy bay trực thăng vận tải đa năng hạng nặng Osprey tại Nhật Bản, sau khi một máy bay loại này gặp nạn ở ngoài khơi Australia.

Trước đó, ngày 5/8, một máy bay vận tải MV-22 Osprey của lực lượng Lính thuỷ đánh bộ Mỹ đã bị rơi ngoài khơi Vịnh Shoalwater, ở vị trí gần thành phố Rockhampton vùng Bắc Queensland của Australia. 23 trong tổng số 26 người trên máy bay đã được cứu sống, 3 người còn lại mất tích.

Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ sáng 6/8 thông báo lực lượng này và Hải quân Mỹ đã ngừng hoạt động tìm kiếm cứu hộ 3 lính thủy đánh bộ Mỹ mất tích trong vụ rơi máy bay trên và chuyển sang nỗ lực trục vớt máy bay rơi với sự hỗ trợ của Lực lượng phòng vệ Australia. Hoạt động này dự kiến có thể mất vài tháng.

[Nhật Bản xúc tiến kế hoạch tái bố trí căn cứ quân sự Futenma]

Chiếc máy bay gặp nạn nói trên đã tham gia cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Australia mang tên Talisman Sabre vừa kết thúc cuối tháng 7 vừa qua.

Các máy bay Osprey được triển khai tại căn cứ không quân Futenma của lực lượng Lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở tỉnh Okinawa, miền Nam Nhật Bản. Người dân địa phương đã phản đối hoạt động của máy bay này do lo ngại về những tai nạn gây chết người xảy ra với máy bay này ở nước ngoài. Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lùi kế hoạch triển khai các máy bay vận tải CV-22 Osprey của Không quân tại căn cứ Yokota ở Tokyo đến trước tháng 9/2020, thay vì quý 4 của tài khóa 2017 như kế hoạch ban đầu, song không nêu rõ lý do.

Máy bay MV-22 Osprey được thiết kế vừa có thể cất cánh theo phương thẳng đứng như trực thăng, lại vừa có thể lao đi như một máy bay phản lực, nên được ví như "Chim ưng biển"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục