Nhật Bản gây sức ép trả đũa thương mại Mỹ

Nhật đang gia tăng sức ép lên Mỹ về cách tính thuế quy về không với hàng hóa nhập khẩu khi khơi lại đề nghị trừng phạt Mỹ tại WTO.
Nhật Bản đang gia tăng sức ép lên Mỹ về cách tính thuế quy về không đối với hàng hóa nhập khẩu mà họ cho là không công bằng khi khơi lại đề nghị trừng phạt Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Động thái của Nhật là một đòn nữa chống lại phương pháp tính thuế quy về không gây nhiều tranh cãi của Mỹ mà những nước chỉ trích cho là đẩy thuế suất lên cao - thực trạng đang bị các trọng tài WTO phê phán.

Trong tài liệu được đưa lên trang web của WTO ngày 6/5, Nhật Bản nói rằng họ đã đề nghị ban trọng tài WTO nối lại việc xét xử tranh chấp với Mỹ mà WTO đã ra phán quyết là Mỹ không tôn trọng các quy định thương mại quốc tế.

Nhật Bản đang tìm cách trả đũa hàng hóa Mỹ trị giá tới 248 triệu USD/năm do Mỹ áp thuế chống bán phá giá đánh vào vòng bi.

Hai nước đã nhất trí tạm ngừng tham vấn vụ này vào năm 2008 để WTO quyết định dứt khoát xem liệu Mỹ có tuân thủ các phán quyết ban đầu được đưa ra vào năm 2004 hay không.

Tới tháng 8/2009 WTO đã ra phán quyết nghiêng về phía Nhật, mở đường cho họ nối lại tiến trình trả đũa Mỹ.

Mỹ là nước duy nhất trong số 153 nước thành viên WTO sử dụng công thức quy về không để tính thuế và các quan chức Mỹ thừa nhận sẽ phải điều chỉnh cách tính này để phù hợp với các quy định của WTO.

Tháng trước, Thứ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách Thương mại Quốc tế, Francisco Sanchez, có nói rằng Chính quyền Obama đang cố gắng tìm cách để tuân thủ các quy định của WTO mà không gây phương hại tới khả năng ngăn chặn hàng nhập khẩu có giá không công bằng.

Còn Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk cho rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ không muốn làm suy yếu vũ khí chống lại hàng hóa nhập khẩu không công bằng khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng các thỏa thuận thương mại và thương mại công bằng trong chính sách của Mỹ.

Mỹ đã đối mặt với yêu cầu đòi trừng phạt trị giá hơn 300 tỷ USD từ Liên minh châu Âu (EU) trong vụ tranh chấp liên quan tới cách tính thuế quy về không mà phần thắng nghiêng về EU.

Các hướng dẫn của WTO nêu rõ quá trình tham vấn có thể kéo dài 60 ngày, nhưng thực tế nó có thể kéo dài vài tháng trong khi các chuyên viên WTO tính toán mức độ trả đũa tương đương với thiệt hại mà bên nguyên đưa ra.

Các quy định của WTO cũng cho phép các nước thành viên áp thuế đánh vào hàng hóa bị bán phá giá. Cách tính thuế chống bán phá giá thường gồm cách so sánh hàng hóa ở nhiều nơi./.
 
Hoàng Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục