Nhật Bản gia hạn lệnh cấm giao thương với Triều Tiên thêm 2 năm

Nội các của Thủ tướng Suga Yoshihide đã gia hạn thêm 2 năm lệnh cấm buôn bán và cấm cập cảng Nhật Bản đối với các tàu đăng ký biển Triều Tiên và bất kỳ tàu nào đã ghé cảng Triều Tiên.
Nhật Bản gia hạn lệnh cấm giao thương với Triều Tiên thêm 2 năm ảnh 1Màn hình thể hiện một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản. (Nguồn: Time.com)

Ngày 6/4, Nhật Bản quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên, bao gồm cả lệnh cấm thương mại, thêm 2 năm để duy trì sức ép buộc nước này từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời đạt được tiến bộ trong vấn đề người Nhật bị điệp viên Triều Tiên bắt cóc trong quá khứ.

Việc gia hạn trừng phạt này, được Nội các của Thủ tướng Suga Yoshihide thông qua trước khi hết hiệu lực vào ngày 13/4 - cấm buôn bán và cấm cập cảng Nhật Bản đối với các tàu đăng ký biển Triều Tiên và bất kỳ tàu nào đã ghé cảng Triều Tiên.

Hôm 25/3, Triều Tiên đã bắn thử hai tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản, hành động khiêu khích đầu tiên trong năm 2021, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

[Thủ tướng Nhật Bản vẫn sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên]

Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã cam kết hợp tác để thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và thực hiện các nỗ lực "phối hợp" hướng tới việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Từ lâu, Nhật Bản đã tìm cách hồi hương các công dân nước này bị điệp viên Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980, một trong những điểm mấu chốt cản trở hai nước tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Ông Suga gần đây đã tái khẳng định sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với hy vọng tạo ra bước đột phá thế bế tắc, mặc dù triển vọng của một cuộc gặp như vậy vẫn chưa rõ ràng.

Tokyo đã thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vào năm 2006, cấm nhập khẩu từ Triều Tiên và cấm cập cảng đối với các tàu có liên kết với Bình Nhưỡng.

Kể từ đó, Nhật Bản đã mở rộng phạm vi của các biện pháp trừng phạt bằng cách bổ sung lệnh cấm xuất khẩu sang Triều Tiên vào năm 2009./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục