Nhật Bản kẹt giữa châu Âu và Nga trong vụ cựu điệp viên bị đầu độc

Chuyên gia cho rằng Tokyo bị rơi vào thế khó xử khi tìm cách quan hệ tốt với cả các đồng minh Phương Tây lẫn Moskva, trong bối cảnh Nhật Bản theo đuổi chương trình nghị sự của riêng nước này với Nga.
Nhật Bản kẹt giữa châu Âu và Nga trong vụ cựu điệp viên bị đầu độc ảnh 1Cảnh sát Anh thu thập các bằng chứng sau vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury ngày 16/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Japan Times đưa tin trong bối cảnh hơn 20 nước, trong đó có Mỹ và nhiều quốc gia lớn ở châu Âu, trục xuất các nhà ngoại giao và quan chức tình báo của Nga do vụ một cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh, Nhật Bản lại duy trì sự phản ứng không quá mạnh mẽ.

Tại buổi họp báo ngày 27/3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nêu rõ ông hy vọng sự thật sẽ được hé lộ thông qua cuộc điều tra được tiến hành bởi cảnh sát Anh và Tổ chức Cấm sử dụng vũ khí hóa học (OPCW).

Khi được hỏi Nhật Bản sẽ làm gì sau khi nhiều nước châu Âu quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga, ông Suga nói: "Nhật Bản đã nói với phía Nga rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận được."

Các chuyên gia cho rằng Tokyo bị rơi vào thế khó xử khi tìm cách quan hệ tốt với cả các đồng minh Phương Tây lẫn Moskva, trong bối cảnh Nhật Bản theo đuổi chương trình nghị sự của riêng nước này với Nga, với hy vọng đạt được tiến triển trong tranh chấp lãnh thổ có liên quan đến một quần đảo do Nga kiểm soát ở ngoài khơi Hokkaido.

Giáo sư khoa học chính trị James Brown của Đại học Temple ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) nói: "Vị thế của Nhật Bản là khó xử, bởi chúng ta thấy tất cả các đồng minh đều chống lại Nga, nhưng Thủ tướng Shinzo Abe và Ngoại trưởng Taro Kono không chỉ chọn việc không trục xuất các nhà ngoại giao, mà hoàn toàn không cáo buộc Nga. Lúc này, phải có những cuộc thảo luận thú vị trong chính phủ về việc liệu họ có kháng cự trước sức ép hành động hay không."

Giáo sư Brown nói thêm ông Abe "biết rằng nếu ông đưa ra việc trục xuất ngoại giao, hoặc thậm chí mạnh mẽ hơn trong các tuyên bố, điều này có thể phá hoại điều mà ông Abe cảm nhận là cơ hội vàng để có một sự đột phá (trong quan hệ với Nga)"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục