Nhật Bản không thể dội nước vào lò phản ứng số 3

Do mức phóng xạ quanh nhà máy quá cao, nên Nhật không thể dùng máy bay dội nước vào lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima số 1.  
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Lực lượng phòng vệ nước này (SDF) sẽ không thể thực hiện kế hoạch dội nước vào lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 từ máy bay trực thăng trong ngày 16/3 theo như kế hoạch ban đầu do mức phóng xạ quanh nhà máy quá cao.

Trước đó, máy bay trực thăng của Lực lượng phòng vệ mặt đất (GSDF) đã được triển khai để sẵn sàng dội nước vào lò phản ứng này do lo ngại có thể đã xảy ra rò rỉ phóng xạ sau khi vỏ bọc bị hư hại.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA) ngày 16/3 cho biết lượng nước làm mát ở lò phản ứng số 5 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đang giảm. Hiện nay, các công nhân đang bơm nước để làm mát lò phản ứng này.

Trong khi đó, hệ thống máy tính dự báo về sự phát tán chất phóng xạ, có tên gọi SPEEDI, đã không thể hoạt động do trục trặc tại các điểm quan trắc xung quanh khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

NISA cho biết chưa rõ khi nào SPEEDI có thể hoạt động trở lại. Hiện tình trạng mất điện xảy ra ở các khu vực quanh nhà máy nên chưa thể xác định thời điểm hệ thống SPEEDI có thể hoạt động đầy đủ.

Do lượng phóng xạ tại khu vực nhà máy có chiều hướng giảm, nên các công nhân phải sơ tán tạm thời trước đó trong ngày 16/3 đã trở lại nhà máy làm việc. Trong khi đó, nhiệt độ tại lò phản ứng số 2 đã ổn định trở lại, trong khi áp suất cũng giảm.

Cùng ngày, Đại sứ Nhật Bản tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Takeshi Nakane đã đề nghị Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhanh chóng cử các chuyên gia hạt nhân tới Nhật Bản để giúp khắc phục các sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo, Đại sứ Nakane cho biết Tokyo hy vọng các tổ chức quốc tế sẽ giúp đưa ra những đánh giá công bằng về nguy cơ thảm họa hạt nhân tại nước này, đồng thời bày tỏ mong muốn đoàn chuyên gia IAEA tới khu vực xảy ra sự cố hạt nhân càng nhanh càng tốt.

Trước đó, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết sẽ sớm cử một nhóm chuyên gia tới Nhật Bản để theo dõi hiện trạng môi trường và phối hợp hỗ trợ Nhật Bản. Hiện có hai lĩnh vực mà IAEA rất quan tâm là các vụ cháy tại các lò phản ứng và nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Ông Amano cho biết “tình hình hiện nay rất phức tạp và khó có thể dự đoán.” Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sự cố hạt nhân hiện nay tại Fukushima khác so với thảm họa Chernobyl năm 1986.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cùng ngày cho biết sẽ cử 6.400 binh sỹ tới khu vực Đông Bắc để hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất và sóng thần. Số quân dự bị này sẽ cùng với 80.000 binh sỹ đã được triển khai để thực hiện các nỗ lực cứu hộ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Michihiko Kano thông báo chính phủ Nhật Bản đã sẵn sàng xuất gạo dự trữ để cung cấp cho một số vùng bị ảnh hưởng bởi động đất nhằm xoa dịu những lo ngại về khả năng thiếu hụt lương thực có thể xảy ra. Theo ông Kano, nguyên nhân thiếu lương thực cung cấp cho những người bị ảnh hưởng là do việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn vì giao thông bị gián đoạn bởi động đất. Ông kêu gọi người dân bình tĩnh, không tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết.

Nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất, một nhóm tình nguyện viên Nhật Bản thuộc trường Đại học Tôkiô đã thiết lập một kênh thông tin trực tuyến sử dụng 31 ngôn ngữ với mục đích hướng dẫn người nước ngoài sống tại Nhật Bản ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Tại trang web http://nip0.wordpress.com/, người truy cập có thể được hướng dẫn các cách tự bảo vệ bản thân, sử dụng các dịch vụ tin nhắn khẩn cấp hay các trang thiết bị cần thiết để đối phó với động đất.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 16/3 đã cam kết "bơm" thêm 13,8 nghìn tỷ yen (tương đương 170 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ, nâng tổng ngân sách thuộc quỹ hỗ trợ khẩn cấp lên 55,6 nghìn tỷ yen (688,4 tỷ USD) nhằm bảo vệ hệ thống ngân hàng trước những ảnh hưởng sau động đất.

Trong số tiền bổ sung nói trên, 5.000 tỷ yên được "bơm" ngay lập tức nhằm hỗ trợ các tổ chức tài chính bảo đảm các khoản cho vay ngắn hạn; khoản tiền 8.800 tỷ yen còn lại sẽ được "tung ra" trong các ngày 17-18/3 tới.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản 16/3 đã quyết định hoãn các cuộc bầu cử địa phương (dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới) tại các khu vực bị ảnh hưởng của động đất và sóng thần. Các thành viên nội các đã thông qua dự luật trên và dự kiến trình lên Quốc hội vào ngày 18/3. Theo dự luật, các cuộc bầu cử thị trưởng và hội đồng nhân dân tại các khu vực bị ảnh hưởng có thể phải hoãn từ 2 đến 6 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục