Nhật Bản lo ngại về rủi ro phát sinh từ thị trường mới nổi

Nhật Bản đã điều chỉnh hạ dự báo về triển vọng xuất khẩu của quốc gia này trong tháng thứ ba liên tiếp, do nhu cầu tại các nền kinh tế mới nổi yếu ớt.

Trong báo cáo hàng tháng mới nhất vừa công bố, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã điều chỉnh hạ dự báo về triển vọng xuất khẩu của quốc gia này trong tháng thứ ba liên tiếp, do nhu cầu tại các nền kinh tế mới nổi yếu ớt.

Các thị trường mới nổi đang vật lộn với tình trạng "chảy máu" vốn, khi các quỹ đầu tư thoái lui trước nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thu hẹp dần quy mô của gói nới lỏng định lượng (QE).

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2002, Chính phủ Nhật Bản hạ dự báo về triển vọng xuất khẩu trong ba tháng liên tiếp.

Trong khi trước đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) lại nhìn nhận khá lạc quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Tokyo vẫn giữ nguyên đánh giá chung về "thể trạng" nền kinh tế, khẳng định nền kinh tế Nhật Bản đang trên đà phục hồi với nhịp độ vừa phải, nhờ sự "yểm trợ" của hoạt động tiêu dùng tư nhân vững vàng và các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư và mua sắm trang thiết bị khi doanh thu cải thiện.

Thống đốc BoJ, ông Haruhiko Kuroda nhận định: "Kinh tế Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang lấy lại sinh lực."

Hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản có dấu hiệu khởi sắc trong tháng Mười vừa qua, nhưng chưa đủ mạnh để làm nguôi ngoai mối lo của Tokyo.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Văn phòng Nội các Nhật Bản nói rằng kinh tế toàn cầu nói chung đang phục hồi một cách "ôn hòa," nhưng vẫn thiếu sức bật.

Nhu cầu xe hơi tại thị trường Nga và Trung Đông khả ảm đạm, trong khi nhu cầu mua máy móc xây dựng ở Brazil and Australia cũng suy yếu.

Chính phủ Nhật Bản giữ nguyên quan điểm rằng nước này đang tiến tới chấm dứt tình trạng thiểu phát, khi chỉ số giá tiêu dùng chủ chốt (không tính thực phẩm và năng lượng) lần đầu tiên trong 5 năm qua đã ngừng "rơi" trong tháng 9/2013.

Tuần trước, BoJ vẫn duy trì chương trình kích thích tiền tệ không lồ (được đưa ra từ tháng 4/2013), với mục tiêu đạt lạm phát 2% trong khoảng hai năm thông qua hoạt động mua tài sản.

Kinh tế Nhật Bản đã giảm tốc trong quý 3/2013, khi xuất khẩu và chi tiêu hộ gia đình chỉ tăng vừa phải.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích dự báo GDP của Nhật Bản sẽ "rảo bước" trong quý Tư này, nhờ xuất khẩu phục hồi và người tiêu dùng đổ xô mua sắm trước khi có đợt tăng thuế bán hàng vào tháng 4/2014./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục