Bài 1: Nghề hộ lý, điều dưỡng lên ngôi tại Nhật Bản

Nhật Bản “mở cửa” đón các ứng viên hộ lý, điều dưỡng Việt Nam

Chùm hai bài "Nhật Bản 'mở cửa' đón các ứng viên hộ lý, điều dưỡng Việt Nam" do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện giới thiệu thực trạng của xã hội Nhật Bản và cơ hội cho lao động Việt Nam.
Nhật Bản “mở cửa” đón các ứng viên hộ lý, điều dưỡng Việt Nam ảnh 1Một buổi học của các ứng viên điều dưỡng Việt Nam tại Bệnh viện Đại học Y Saitama. (Ảnh: Đào Thanh Tùng /TTXVN)

Bài 1: Hộ lý, điều dưỡng lên ngôi

Do tốc độ già hóa dân số nhanh nên hiện nay, nhiều cơ sở y tế và dưỡng lão ở Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Vì thế, nước này đang mở rộng cửa chào đón các hộ lý và điều dưỡng viên nước ngoài, trong đó có Việt Nam, tới học tập và làm việc, với các chính sách đãi ngộ hết sức hấp dẫn.

Chùm hai bài "Nhật Bản 'mở cửa' đón các ứng viên hộ lý, điều dưỡng Việt Nam" do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện giới thiệu thực trạng của xã hội Nhật Bản và cơ hội cho lao động Việt Nam.

Nhật Bản “khát” nhân lực

Trong những năm gần đây, vấn đề già hóa dân số ở Nhật Bản đang trở nên nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), vào giữa tháng 9/2022, tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) trong tổng dân số nước này lên tới 29,1%, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất trên thế giới, cao hơn nhiều so với các nước đứng ở hai vị trí tiếp theo là Italy (24,1%) và Phần Lan (23,3%).

Trong số 36,27 triệu người cao tuổi ở Nhật Bản, số người từ 75 tuổi trở lên là 19,37 triệu người, chiếm hơn 15% dân số; số người từ 80 tuổi trở lên là 12,35 triệu người, chiếm 9,9%, và số người từ 90 tuổi trở lên là khoảng 2,65 triệu người, chiếm gần 2,1%. Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia của Nhật Bản dự báo vào năm 2040, số người cao tuổi ở nước này sẽ chiếm 35,3% dân số.

Việc dân số già hóa nhanh không chỉ khiến cho chi phí an sinh xã hội, vốn chiếm tới hơn 30% ngân sách thường niên của Nhật Bản, liên tục tăng cao kỷ lục mà còn đang đẩy nước này vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản vẫn phải làm việc dù đã tới tuổi nghỉ hưu. Theo MIC, vào tháng 9/2022, số người cao tuổi vẫn còn làm việc lên tới 9,09 triệu người, chiếm tới 13,5% lực lượng lao động của Nhật Bản.

[Tuyển chọn điều dưỡng, hộ lý đi làm việc ở Nhật Bản với nhiều ưu đãi]

Trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số đang tăng chóng mặt, vào tháng 10/2019, tức là trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) ước tính nước này có thể thiếu tới 270.000 hộ lý và nhân viên điều dưỡng vào năm 2025. Tuy nhiên, con số này đã tăng đáng kể sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Đây là lý do khiến Nhật Bản mở cửa chào đón các lao động nước ngoài tới làm việc trong ngành hộ lý, điều dưỡng.

Cơ hội tốt cho các lao động Việt Nam

Trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA), hàng năm, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp nhận các ứng viên hộ lý, điều dưỡng Việt Nam sang nước này học tập và làm việc.

Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, để tham gia chương trình tuyển chọn ứng viên hộ lý, điều dưỡng (gọi tắt là chương trình EPA), các ứng viên cần tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học ngành điều dưỡng và có tuổi đời dưới 35. Sau khi được chọn, họ sẽ tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật kéo dài 12 tháng tại Việt Nam.

Trong thời gian đó, các ứng viên sẽ được chu cấp đầy đủ, từ chi phí học tập cho tới ăn ở và sinh hoạt. Kết thúc khóa học, các ứng viên sẽ phải tham gia kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT). Sau đó, các ứng viên đủ tiêu chuẩn (đạt trình độ tiếng Nhật N3 hoặc tương đương trở lên) sẽ được Chính phủ Nhật Bản đài thọ toàn bộ chi phí vé máy bay để sang Nhật Bản học tập và làm việc.

Nhật Bản “mở cửa” đón các ứng viên hộ lý, điều dưỡng Việt Nam ảnh 2Chị Trần Thị Viền, hộ lý viên Việt Nam tại Cơ sở Phúc lợi Kirishiki ở tỉnh Saitama. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, bạn Trần Thị Viền, hộ lý viên Việt Nam làm việc tại Cơ sở Phúc lợi Kirishiki ở tỉnh Saitama, chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Y Hải Dương vào năm 2013, em đã đăng ký tham gia chương trình EPA. Khi tham gia chương trình này, em rất bất ngờ vì không phải nộp bất cứ khoản phí nào. Em được học miễn phí, được cung cấp sách vở và trang thiết bị rất đầy đủ. Hơn thế nữa, mỗi tháng, em còn được hỗ trợ hơn 5 triệu đồng tiền sinh hoạt phí."

Sau khi tới Nhật Bản, các ứng viên hộ lý, điều dưỡng sẽ được đào tạo tập trung 2 tháng và sau đó, họ sẽ bắt đầu làm việc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe hoặc bệnh viện của Nhật Bản.

Bạn Nguyễn Thị Sim, một hộ lý viên Việt Nam khác tại Cơ sở Phúc lợi Kirishiki, tâm sự: “Khi mới sang Nhật Bản và vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, em đã được các nhân viên của cơ sở hướng dẫn rất nhiệt tình, từ việc đi siêu thị tới đồ dùng sinh hoạt. Hơn thế nữa, khi em lo lắng về vấn đề giao tiếp vì trình độ tiếng Nhật khi đó còn hạn chế, cơ sở đã cử nhân viên thường xuyên kèm cặp để hướng dẫn em từ những điều nhỏ nhặt nhất. Vì thế, em cảm thấy rất yên tâm."

Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, mức lương đối với các ứng viên điều dưỡng dao động từ 160.000-180.000 yen/người/tháng (tương đương từ 29-32 triệu đồng/tháng) và đối với ứng viên hộ lý là từ 180.000-190.000 yen/người/tháng (tương đương 32-34 triệu đồng/tháng). Mức lương này có thể thay đổi tùy thuộc cơ sở tiếp nhận và sẽ tăng đáng kể nếu họ vượt qua kỳ thi hộ lý, điều dưỡng quốc gia của Nhật Bản.

Hộ lý Trần Thị Viền nói: “Sau khi vượt qua kỳ thi quốc gia, thu nhập hàng tháng của em dao động từ 40 đến 50 triệu đồng. Số tiền đó đủ để em trang trải cho cuộc sống của gia đình và gửi về nhà để phụ giúp thêm cho bố mẹ."

Mặc dù vượt qua kỳ thi quốc gia của Nhật Bản là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với hầu hết các ứng viên hộ lý, điều dưỡng nước ngoài nhưng thực tế cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ ứng viên đỗ cao nhất trong các kỳ thi này. Cụ thể, theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, kể từ khi bắt đầu thực hiện chương trình EPA tới nay, có gần 780 ứng viên Việt Nam (chiếm khoảng 46% trong tổng số ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam ở nước này) thi đỗ và đang làm việc với tư cách lao động y tế chính thức ở nước này.

Ngoài nỗ lực của bản thân các ứng viên, một trong lý do quan trọng khiến các ứng viên Việt Nam dễ dàng vượt qua kỳ thi quốc gia là sự hỗ trợ và hướng dẫn tận tình từ các cơ sở tiếp nhận. Hộ lý Sim nói: “Sau 4 năm học tập và làm việc ở cơ sở, em đã tham gia kỳ thi chứng chỉ quốc gia. Quá trình học cũng tương đối vất vả bởi vì, bọn em vừa đi học, vừa đi làm. Tuy nhiên, cơ sở đã hỗ trợ em rất nhiều."

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thị Phương, một ứng viên điều dưỡng đến từ Đắk Lắk đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Saitama, nói: “Em là ứng viên điều dưỡng khóa 8 của chương trình EPA. Em đến Nhật Bản được hơn 1 năm. Hiện tại, em đang tập trung để ôn thi (kỳ thi điều dưỡng viên quốc gia). Trong quá trình ôn thi, em được nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ quản lý và điều dưỡng trưởng người Nhật ở bệnh viện."

Với tỷ lệ đỗ cao, năng lực chuyên môn tốt và sự chăm chỉ, cần cù, các ứng viên Việt Nam đang trở thành “đích ngắm” của các cơ sở y tế và điều dưỡng ở Nhật Bản.

Nhật Bản “mở cửa” đón các ứng viên hộ lý, điều dưỡng Việt Nam ảnh 3Ông Kaneko Fumito, Giám đốc Cơ sở Phúc lợi Kirishiki. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Ông Kaneko Fumito, Giám đốc Cơ sở Phúc lợi Kirishiki, nói: “Năm 2013, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận các ứng viên Việt Nam đầu tiên vào năm 2015. Khi tiếp nhận các ứng viên này, tôi rất lo lắng không biết họ có thể làm được việc hay không và những người cao tuổi ở đây có yên tâm hay không. Vài tháng sau đó, nhiều người cao tuổi đã nói với tôi rằng họ rất hài lòng và yêu mến các ứng viên Việt Nam. Các ứng viên này có chuyên môn nên chăm sóc rất tốt. Bên cạnh đó, trước khi sang đây, họ cũng có trình độ tiếng Nhật N3 nên việc giao tiếp khá thuận lợi."

Theo ông Fumito, hiện tại, có 10 lao động Việt Nam đang làm việc tại Cơ sở Phúc lợi Kirishiki, trong đó có 5 hộ lý, 2 ứng viên hộ lý và 3 thực tập sinh. Đáng chú ý, tỷ lệ đỗ trong kỳ thi quốc gia của các ứng viên Việt Nam tại đây lên tới 100%, cao hơn cả người bản địa.

Về phần mình, ông Hisashi Tanaka, Cố vấn Chủ tịch Hội đồng quan trị Đại học Y Saitama, nói: “Khởi đầu, khi tham gia chương trình EPA, chúng tôi rất phân vân khi lựa chọn các ứng viên từ quốc gia nào, Phillipines, Indonesia hay Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi thấy người Việt Nam rất chăm chỉ và năng lực tiếp thu rất nhanh. Bên cạnh đó, tỷ lệ thi đỗ của các ứng viên Việt Nam cũng rất cao nên chúng tôi đã quyết định chọn các ứng viên đến từ Việt Nam."

Ông Tanaka cũng cho biết hiện tại, hàng năm, Bệnh viện Đại học Y Saitama đang tiếp nhận 2 ứng viên điều dưỡng đến từ Việt Nam theo chương trình EPA.

Theo Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Nhật Bản, hiện tại, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (DOLAB) thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đang phối hợp với phía Nhật Bản để tuyển chọn và đào tạo 240 ứng viên hộ lý, điều dưỡng khóa 11. Đây là cơ hội tốt cho các hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam muốn ra nước ngoài để rèn luyện, nâng cao tay nghề và cải thiện thu nhập cho bản thân./.

Bài 2: Vì sao vẫn khó tuyển nhân sự?

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục