Nhật Bản sẽ ra sao nếu ông Abe quyết định nói lời 'tạm biệt'?

Năm 2007, ông từ nhiệm sau một năm nắm quyền với lý do ông bị viêm ruột kết. Vì vậy, nếu bây giờ ông từ nhiệm thì đó cũng sẽ không phải là điều quá bất ngờ.
Nhật Bản sẽ ra sao nếu ông Abe quyết định nói lời 'tạm biệt'? ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vừa rồi đã phải đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Đại học Keio ở Tokyo giữa lúc có những quan ngại về tình hình sức khỏe của ông.

Ông Abe lên nắm quyền từ năm 2012 và là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất ở Nhật Bản. Đây là nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Năm 2007, ông từ nhiệm sau một năm nắm quyền với lý do ông bị viêm ruột kết. Vì vậy, nếu bây giờ ông từ nhiệm thì đó cũng sẽ không phải là lần đầu tiên ông làm như vậy.

Mặc dù cho đến giờ vẫn chưa có tin tức nào cho thấy ông không thể đảm đương các công việc của mình, song nếu điều đó thực sự diễn ra, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso sẽ là nhân vật tạm thời thay thế ông Abe cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử tiếp theo.

Tuy nhiên, bất cứ nhà lãnh đạo mới nào cũng sẽ phải giải quyết một vấn đề khó khăn là GDP của Nhật Bản từ tháng Tư đến tháng 6/2020 lao dốc nghiêm trọng, thậm chí còn tồi tệ hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008.

Những thành tựu mà các cuộc cải cách kinh tế gây tranh cãi của ông Abe - được biết đến với tên gọi "Abenomics" - mang lại đã bị đảo lộn hoàn toàn.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) đã đẩy nền kinh tế Nhật Bản lao dốc và Tokyo đang đi thụt lùi.

[Dịch COVID-19: Nhật Bản nâng mức cảnh báo đi lại đối với 13 quốc gia]

Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với tình trạng lũ lụt hoành hành ở hầu hết khu vực miền nam, các mối quan hệ gai góc với các nước láng giềng và tình trạng bất định trong mối quan hệ song phương với Mỹ. Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Thế Vận hội 2020 đã bị hoãn và hoạt động sản xuất của các nhà máy đã bị gián đoạn nghiêm trọng. Tokyo đang trải qua thời kỳ đỉnh điểm các ca mắc COVID-19 trong đợt tái bùng phát thứ 2.

Ông Abe dường như đang mất khả năng kiểm soát đại dịch này, không thể thực thi những biện pháp chống và phòng dịch một cách hiệu để bảo vệ sức khỏe của người dân bởi ưu tiên lớn hơn của chính phủ Nhật Bản hiện nay là tập trung phát triển các hoạt động kinh tế xã hội.

Điều này nghe có vẻ khá quen thuộc? Đúng vậy. Chiến lược này được các nước trên thế giới áp dụng.

Các chính phủ đều cho rằng mối nguy về kinh tế còn lớn hơn cả những rủi ro mà dịch bệnh này gây ra. Quản lý khủng hoảng chính là chìa khóa.

Trong bối cảnh ông Abe có khả năng sớm rời khỏi văn phòng thủ tướng của ông, nhiều người hy vọng sẽ có một quyết định nhanh chóng và táo bạo được đưa ra.

Các nhà lãnh đạo tiềm năng đang bắt đầu có những động thái để chứng tỏ họ là người có thể thay thế ông Abe: trong chuyến công du Singapore, Malaysia và Anh, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi đã thu hút được những chú ý tích cực và được đánh giá là người có khả năng kế nhiệm ông Abe.

Ông liên tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cá nhân ông gặp gỡ những người đồng cấp, bất chấp dịch bệnh, và đã nhận được sự tán dương về các kỹ năng đàm phán cũng như hoàn thành xuất sắc công việc của ông.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến chỉ trích phong cách làm việc đó của ông vì cho là đã phớt lờ những mối lo ngại về vấn đề an toàn.

Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và từ lâu vẫn là người chỉ trích các chính sách của ông Abe, cũng được coi là một nhân vật có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cho dù điều gì xảy ra đi nữa thì những tháng tới sẽ rất quan trọng đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản. Số phận sẽ là một phần, khi ông Abe có thể quyết định vẫn tại nhiệm cho đến năm tới.

Ông có thể cân nhắc tiến hành một cuộc cải tổ nội các để "thay máu" và thổi luồng suy nghĩ mới vào chính phủ, hoặc kêu gọi bầu cử đột xuất.

Tuy nhiên, cần nhớ là ông Abe cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến cách kiểm soát đại dịch COVID-19 và Thế Vận hội Tokyo.

Thế Vận hội này có thể bị trì hoãn lâu hơn nữa, đến tận mùa hè sang năm, hoặc lịch trình của Thế Vận hội sẽ được điều chỉnh.

Cho dù ai nắm quyền ở Nhật Bản trong những tháng tới thì cũng sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn và phải đưa ra các chính sách cứng rắn.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9/2021, những gì xảy ra sắp tới đều rất quan trọng đối với Nhật Bản.

Tình hình khu vực đang có nhiều biến động và căng thẳng. Mỹ ngày càng tỏ ra thách thức Trung Quốc và, cùng với luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc Đại lục áp đặt cho Hong Kong cộng với những căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, Nhật Bản một lần nữa nhận thấy mình bị bao vây bởi những nước láng giềng cứng rắn đang điêu đứng vì căng thẳng gia tăng và các cuộc khẩu chiến.

COVID-19 đang khiến mọi vấn đề trở nên xấu đi nghiêm trọng bởi nó khiến các chính phủ ở khu vực Đông Bắc Á chịu sức ép phải đảm bảo an toàn cho đất nước của mình trước các mối đe dọa.

Chính quyền Mỹ cũng đang gây khó cho Nhật Bản khi đặt ra vấn đề chi phí an ninh trong thời gian này.

Trong bối cảnh COVID-19 đang lây lan nhanh chóng và các nước phải dốc sức chống dịch bệnh, có lý do để (Nhật Bản cũng như các nước) không theo đuổi những chính sách như vậy trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Mối quan hệ Mỹ-Nhật là một nhân tố quan trọng trong khu vực vì Tokyo đang mở rộng ảnh hưởng quân sự bằng cách tham gia các chiến dịch hàng hải bên ngoài Thái Bình Dương.

Các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Nhật vẫn đang tiếp diễn ở Ấn Độ Dương, đánh dấu 60 năm hợp tác và giúp duy trì mối quan hệ song phương này vững chắc và thiết thực.

Tuy nhiên, thực tế này trong lĩnh vực chính trị lại hoàn toàn khác. Nếu ông Abe từ chức và nói lời "tạm biệt," Nhật Bản sẽ bước vào một thời kỳ bất định với câu hỏi: Điều gì sẽ chờ đợi Nhật Bản ở phía trước và sự phục hồi kinh tế của nước này sẽ ra sao trong một môi trường an ninh bất ổn như hiện nay?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục