Nhật Bản siết chặt việc quản lý thực tập sinh nước ngoài

ISA sẽ cấm các doanh nghiệp và nghiệp đoàn tham gia chương trình thực tập sinh tiếp nhận thêm thực tập sinh mới, nếu phát hiện các đơn vị này vi phạm các điều kiện của ISA và có thực tập sinh bỏ trốn.
Nhật Bản siết chặt việc quản lý thực tập sinh nước ngoài ảnh 1Nhân viên làm việc tại một khách sạn ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Thời báo Nhật Bản, Cục Quản lý Cư trú và Xuất nhập cảnh (ISA) thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản đã công bố các biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng của tình trạng thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc tại công ty tiếp nhận.

ISA sẽ cấm các doanh nghiệp và nghiệp đoàn tham gia chương trình thực tập sinh tiếp nhận thêm thực tập sinh mới, nếu phát hiện các đơn vị này vi phạm các điều kiện của ISA và có thực tập sinh bỏ trốn.

Bên cạnh đó, ISA sẽ tăng cường chia sẻ thông tin với các tổ chức và công ty môi giới lao động nước ngoài nhằm ngăn chặn các công ty môi giới đưa ra các điều kiện vi phạm quyền của các thực tập sinh.

Để bảo vệ các thực tập sinh tham gia vào chương trình và ngăn họ không bỏ trốn, ISA đang cân nhắc công bố danh tính những công ty có thực tập sinh bỏ trốn và những người góp phần giúp các thực tập sinh tìm kiếm việc làm một cách bất hợp pháp.

[Nhật Bản hạn chế tình trạng thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn]

Trên cơ sở các biện pháp mới này, ISA sẽ soạn thảo các điều khoản cụ thể trong thời gian từ nay tới tháng 3/2020. Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Masako Mori nói rằng bất chấp hàng loạt biện pháp phòng ngừa, vấn đề thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc vẫn đang gia tăng.

Bà Mori đã nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp hôm 31/10 sau khi người tiền nhiệm là ông Katsuyuki Kawai đã phải từ chức trước những cáo buộc về việc vợ của ông Kawai vi phạm luật bầu cử. Bà nói: “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm số lượng thực tập sinh bỏ trốn bằng việc thực hiện quyết liệt các biện pháp mới này.”

Các số liệu thống kê của ISA cho thấy tính tới cuối tháng 6/2019, tổng số thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài ở Nhật Bản là 367.709, chiếm gần 13% trong tổng số người nước ngoài đang sống và làm việc tại Nhật Bản.

Nhật Bản siết chặt việc quản lý thực tập sinh nước ngoài ảnh 2Điều dưỡng viên hỗ trợ người cao tuổi tại Tomioka, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Năm 2018, có 9.052 thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn, tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước đó và tăng 1.963 người so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 4.499 thực tập sinh bỏ trốn khỏi công ty tiếp nhận và biến mất, tăng 256 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.

Với việc luật nhập cư sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11/2017, ISA đã cải thiện khả năng giám sát các công ty tuyển dụng thực tập sinh nước ngoài thông qua việc thanh tra tại nơi làm việc để bảo đảm môi trường làm việc cho các thực tập sinh.

Bên cạnh đó, luật cũng yêu cầu các công ty và nghiệp đoàn tiếp nhận thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài theo chương trình thực tập sinh phải xin phép. Chính phủ Nhật Bản cũng cải thiện việc hỗ trợ ngôn ngữ cho các thực tập sinh nước ngoài.

Tuy nhiên, các quan chức của ISA cho biết các biện pháp trên vẫn chưa đủ để giảm số lượng thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn khỏi công ty tiếp nhận. ISA kết luận việc lạm dụng quyền của thực tập sinh khi không thanh toán tiền lương theo hợp đồng, yêu cầu thực tập sinh nộp tiền đặt cọc hoặc áp đặt các điều kiện không thích đáng khác là những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều thực tập sinh bỏ trốn.

ISA tin rằng nhiều công ty tuyển dụng lao động nước ngoài theo chính sách thị thực mới dành cho lao động đặc định (mà Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 4/2019) vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các thực tập sinh hoặc tuyển dụng các cựu thực tập sinh theo chính sách thị thực mới này. ISA sẽ phỏng vấn các thực tập sinh được tuyển dụng theo chính sách thị thực mới để tìm hiểu về điều kiện lao động của họ.

Ông Isao Negishi, một quan chức của ISA, cơ quan quản lý chương trình thực tập sinh kỹ thuật, nói: “Nếu chúng tôi phát hiện bất cứ hình thức đối xử sai trái nào có thể dẫn tới việc các thực tập sinh bỏ trốn, chúng tôi có thể sẽ sớm thực hiện các biện pháp phòng ngừa và nhờ vậy, giải quyết vấn đề trước khi nó phát sinh và trước khi các thực tập sinh bỏ trốn.”

Bên cạnh đó, theo ông Negishi, ISA cũng sẽ tăng cường nỗ lực hạn chế các thực tập sinh bỏ trốn khỏi công ty tiếp nhận bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) để thu hồi thẻ cư trú của các thực tập sinh bỏ trốn, không cho họ làm việc không phép./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục