Nhật Bản: Sự trở lại nắm quyền ngoạn mục của LDP

Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản đã khép lại với chiến thắng ngoạn mục thuộc về đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, chính thức đưa đảng này trở lại nắm quyền sau 3 năm gián đoạn và đưa ông Abe quay lại cương vị thủ tướng của đất nước Mặt Trời Mọc.

Với khẩu hiệu “Lấy lại Nhật Bản,” “Xây dựng lại Nhật Bản,” đảng LDP đối lập đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua với 294/480 ghế, con số quá bán đủ để đảng này có thể tự đứng ra thành lập chính phủ riêng.
Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản đã khép lại với chiến thắng ngoạn mục thuộc về đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, chính thức đưa đảng này trở lại nắm quyền sau 3 năm gián đoạn và đưa ông Abe quay lại cương vị thủ tướng của đất nước Mặt Trời Mọc. Với khẩu hiệu “Lấy lại Nhật Bản,” “Xây dựng lại Nhật Bản,” đảng LDP đối lập đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua với 294/480 ghế, con số quá bán đủ để đảng này có thể tự đứng ra thành lập chính phủ riêng. Tuy nhiên, Tổng Thư ký LDP Shigeru Ishiba và Tổng Thư ký đảng Công Minh mới (NKP) Yoshihisa Inoue đã nhất trí thành lập chính phủ liên minh nhằm đảm bảo có được tỷ lệ 2/3 an toàn tuyệt đối tại Hạ viện, giúp chính phủ mới dễ dàng thông qua các dự luật đề xuất sau này. Đối lập với không khí náo nhiệt khi Chủ tịch LDP Shinzo Abe gắn những bông hồng lên bảng danh sách các ứng viên trúng cử tại trụ sở đảng này, không khí tại trụ sở đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền lại rất trầm lặng. [Bầu cử Hạ viện Nhật: LDP giành chiến thắng áp đảo] Mặc dù kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử đều dự đoán khả năng DPJ "thất thế" song việc đảng này chỉ giành được 57 ghế khiến không ít người ngỡ ngàng. Trước thất bại này, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã đứng ra nhận trách nhiệm và tuyên bố từ chức Chủ tịch DPJ. Với kết quả trên, ông Abe gần như chắc chắn sẽ được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản tại phiên họp Quốc hội đặc biệt vào ngày 26/12 tới và sẽ sớm công bố thành phần chính phủ liên minh với NKP. Về chính sách đối nội, trong cương lĩnh tranh cử, LDP đã nhấn mạnh ưu tiên cho nhiệm vụ khôi phục kinh tế, tập trung giải quyết căn bệnh giảm phát kinh niên và ngăn chặn đồng yen tăng giá. LDP đặt mục tiêu thông qua việc thành lập cơ quan chuyên trách về tái thiết kinh tế và xem xét sửa đổi luật ngân hàng nhằm tạo cơ chế tăng cường hợp tác giữa chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Vấn đề an sinh xã hội cũng là chủ đề được các ứng cử viên LDP nhắc tới thường xuyên trong chiến dịch tranh cử. Bên cạnh cam kết cắt giảm chi phí cho công chức, dùng toàn bộ thuế tiêu dùng cho lĩnh vực an sinh xã hôi, LDP còn cam kết thông qua các dự luật xác lập chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ lương hưu... để đảm bảo đời sống cho người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa có dấu hiệu cải thiện và quan hệ với các nước láng giềng xấu đi đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, việc chính phủ liên minh mới có đưa được nền kinh tế thứ ba thế giới thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay hay không vẫn còn là ẩn số. Bên cạnh đó, việc khôi phục vùng Đông Bắc bị tàn phá bởi thảm họa động đất-sóng thần hồi năm ngoái, đặc biệt là việc giải quyết hậu quả sau sự cố hạt nhân Fukushima, cũng là những nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với chính quyền mới. Để khôi phục nền kinh tế, nguồn năng lượng, đặc biệt là điện năng đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, LDP có thể xem xét kéo dài việc duy trì nguồn điện hạt nhân để dành ưu tiên cho mục tiêu khôi phục kinh tế.
Nhật Bản: Sự trở lại nắm quyền ngoạn mục của LDP ảnh 1
Về chính sách đối ngoại, việc tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ được LDP khẳng định là nền tảng cho chính sách ngoại giao, an ninh và quốc phòng của Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chính sách quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương và tình hình an ninh trong khu vực có nhiều biến động đáng quan ngại. Tuy nhiên, chính quyền mới do LDP lãnh đạo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu này do vấp phải sự phản đối của chính quyền và người dân tỉnh Okinawa, nơi tập trung nhiều nhất các căn cứ quân sự Mỹ. Nếu không giải quyết tốt những quan ngại của Okinawa, quan hệ Nhật-Mỹ sẽ bị ảnh hưởng giống như dưới thời các chính phủ tiền nhiệm. Ngoài ra, LDP cũng muốn chế định “Luật cơ bản về an ninh quốc gia,” cho phép sử dụng quyền tự vệ tập thể để tăng cường quan hệ với các nước đồng minh. LDP khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan để đối phó với chương trình phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân và vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản của Triều Tiên. LDP cũng chủ trương nâng cấp lực lượng phòng vệ thành quân đội chính quy, tăng cường quản lý hiệu quả quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Theo nhận định của giới phân tích, nếu thực hiện biện pháp trên, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tiếp tục căng thẳng hơn sau khi đã rơi xuống mức tồi tệ do các động thái của hai bên liên quan tới tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, để sớm phục hồi nền kinh tế, việc khôi phục quan hệ với đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc có vai trò rất quan trong. Do đó, chính phủ mới của ông Abe sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện các bước đi có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hai nước. Nhận thức rõ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi trở lại nắm quyền, ban lãnh đạo LDP đã tỏ ra rất thận trọng trong các phát biểu sau khi thắng cử. Trong tuyên bố mới nhất, ông Abe đã nhấn mạnh rằng “giành được nhiều ghế không có nghĩa là đã giành được 100% sự tin tưởng của cử tri” và LDP cần phải nỗ lực tối đa để thực hiện những cam kết trong cương lĩnh tranh cử./.
Minh Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục