Nhật Bản: Thấy chất phóng xạ vượt ngưỡng ở 10 tỉnh

Chất phóng xạ strontium nguy hiểm phát sinh từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã hiện diện tại 10 tỉnh thành phố ở Nhật.
Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản (MEXT) ngày 24/7 vừa công bố một báo cáo, theo đó chất phóng xạ strontium nguy hiểm phát sinh từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã hiện diện tại 10 tỉnh thành phố ở Nhật Bản.

Kết quả trên được MEXT công bố sau khi tiến hành đo nồng độ chất phóng xạ chứa trong các hạt bụi bay trong không khí tại địa phận các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.

Theo MEXT, 10 tỉnh này nằm trên một khu vực rộng lớn kéo dài từ tỉnh Iwate xuống Kaminagawa, nơi mà nồng độ strontium thu được đều cao hơn so với tiêu chuẩn cho phép. Như vậy, MEXT cho rằng nguy cơ lan rộng của sự cố nhà máy điện Fukushima 1 của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) là khá cao.

Tại các tỉnh và thành phố này, nhóm điều tra đã tiến hành thu thập một lượng lớn các hạt bụi theo gió và các cơn mưa, và xác định hàm lượng chất phóng xạ chứa trong lượng bụi này. Sau khi tiến hành phân tích đối với các mẫu vật chất thu được từ sau sự cố hạt nhân đến tháng 12/2011, nhóm nghiên cứu đã phát hiện nồng độ strontium 90 tại các tỉnh - bao gồm Iwate, Akita, Yamagata, Ibaraki, Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba, Tokyo và Kaminagawa - đều vượt quá giá trị tiêu chuẩn 0,3 bequerel (bql)/m2 diện tích được đề ra năm 2000.

Nồng độ cao nhất đo được nằm ở thành phố Hitachinaka tỉnh Ibaraki với 6 bql/m2 sau 1 tháng kể từ sự cố hạt nhân hồi tháng 3/2011.

Tại hai tỉnh Fukushima và Miyagi, chất phóng xạ strontium đã được xác nhận trong các đợt kiểm tra lấy mẫu đất khác.

Tuy nhiên, MEXT cũng kịp trấn an dư luận rằng “chất strontium vừa phát hiện được thực sự rất nhỏ và có lẽ không cần thiết phải đánh giá về ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người.”

Đồng vị phóng xạ strontium 90 có đặc điểm hóa học khá tương đồng với Canxi khiến nó dễ dàng được hấp thụ vào cơ thể. Với chu kỳ bán rã 28,9 năm, strontium có thể gây ra những rối loạn về xương trên cơ thể vật chủ, thậm chí gây ra ung thư xương./.

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục