Nhật Bản viện trợ hơn 300.000 USD cho hộ sinh tuyến cơ sở

Sáng 4/3, lễ ký kết hợp đồng viện trợ không hoàn lại cho dự án trong lĩnh vực y tế của Chính phủ Nhật Bản năm tài khóa 2016 dành cho Việt Nam đã diễn ra tại Đại sứ quán Nhật Bản (Hà Nội).
Nhật Bản viện trợ hơn 300.000 USD cho hộ sinh tuyến cơ sở ảnh 1Bà Naomi Amaike (giám đốc tổ chức JOICFP) và Ngài Phó Đại sứ Nhật Bản Yanagi Jun hoàn thành việc ký kết hợp đồng cung cấp viện trợ. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Sáng 4/3, lễ ký kết hợp đồng viện trợ không hoàn lại cho dự án trong lĩnh vực y tế của Chính phủ Nhật Bản năm tài khóa 2016 dành cho Việt Nam đã diễn ra tại Đại sứ quán Nhật Bản (Hà Nội).

Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản về Kế hoạch hóa gia đình (JOICFP) là đơn vị thực hiện dự án. Trong năm đầu tiên thực hiện dự án, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam 591.864 USD. Đến giai đoạn 2 lần này, phía Nhật Bản sẽ viện trợ cho Việt Nam số tiền là 331.980 USD.

Lễ ký kết nằm trong khuôn khổ Hợp tác viện trợ không hoàn lại quy mô nhỏ cấp cơ sở đối với dự án “Thiết lập trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ và nâng cao năng lực cho hộ sinh tuyến cơ sở” (năm thứ 2).

Tại Việt Nam trong những năm gần đây, nhờ vào sự nỗ lực nâng cao chất lượng y tế và sự tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tử vong của phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh giảm, tuy nhiên khoảng cách chênh lệch về chất lượng dịch vụ y tế giữa thành thị và nông thôn vẫn còn lớn. Ngoài ra, tình hình dịch vụ chăm sóc sản phụ ở khu vực thành thị cũng trong tình trạng khó thể nói là đã có thể chăm sóc cẩn thận từng sản phụ với ý thức đầy đủ để các sản phụ yên tâm sinh nở do các cán bộ nhân viên y tế quá bận rộn.

Trong giai đoạn 1 của dự án, JOICFP đã phối hợp với Hội Nữ hộ sinh Việt Nam để cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản chất lượng tốt nhằm bảo vệ sức khỏe lâu dài của phụ nữ. Bên cạnh việc thành lập “Trung tâm sức khỏe phụ nữ” tại thành phố Huế - một mô hình kiểu mẫu về cơ sở cung cấp dịch vụ thân thiện với phụ nữ một cách toàn diện, JOICFP cũng đã tiến hành chỉ đạo kĩ thuật về dịch vụ tổng hợp đối với các địa phương vùng sâu của tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình.

Trong giai đoạn 2, dự án sẽ cung cấp “Dịch vụ sức khỏe sinh sản toàn diện” dành cho phụ nữ thông qua các hoạt động của dự án tại trung tâm sức khỏe phụ nữ nơi có cơ sở đào tạo huấn luyện. Ngoài ra, sẽ tận dụng cơ sở đào tạo nêu trên để huấn luyện nâng cao năng lực nữ hộ sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục