Nhật chi 63 tỷ USD nhằm giảm sử dụng đất hiếm

Nhật sẽ chi 63 tỷ USD để trợ cấp 49 dự án thử nghiệm giúp giảm lượng kim loại đất hiếm sử dụng trong quá trình sản xuất công nghiệp.
Ngày 8/2, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết sẽ chi tổng cộng 5.000 tỷ yen (khoảng 63 tỷ USD) để trợ cấp 49 dự án thử nghiệm giúp giảm lượng kim loại đất hiếm sử dụng trong quá trình sản xuất công nghiệp.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh có những quan ngại ngày càng gia tăng trong giới doanh nghiệp Nhật Bản về khả năng thiếu hụt nguồn cung kim loại đất hiếm, một loại vật liệu không thể thiếu trong quá trình sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, do Trung Quốc - nước xuất khẩu kim loại đất hiếm lớn nhất thế giới - đã liên tục cắt giảm kim ngạch xuất khẩu loại nguyên liệu này.

Dự kiến, METI sẽ không chỉ trợ cấp các doanh nghiệp sản xuất vật liệu thô mà còn cho các doanh nghiệp chế tạo sản phẩm, như các nhà chế tạo ôtô, để giúp họ cắt giảm lượng kim loại đất hiếm sử dụng trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, METI cũng sẽ trợ cấp những dự án phát triển sản phẩm không sử dụng kim loại đất hiếm hoặc các dự án tái chế kim loại này.

Trong vòng hai năm tới, METI đặt mục tiêu cắt giảm khoảng 200 tấn kim loại dyprosi (một loại kim loại đất hiếm nặng, được sử dụng để chế tạo nam châm của động cơ dùng trong ôtô và máy công nghiệp) tiêu dùng mỗi năm.

[Malaysia phá thế độc tôn đất hiếm của Trung Quốc]

Liên quan tới vấn đề này, Công ty Điện Mitsubishi ngày 8/2 cho biết đã chế tạo thành công một thiết bị có thể tách các kim loại đất hiếm từ những máy điều hòa không khí đã qua sử dụng. Dự kiến, thiết bị này sẽ được lắp đặt ở một nhà máy do Green Cycle Systems Corp., một công ty con thuộc Mitsubishi, điều hành ở tỉnh Chiba, và sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng Tư tới.

Thiết bị này được hy vọng sẽ giúp đối phó sự thiếu hụt kim loại đất hiếm và tình trạng tăng giá của loại nguyên liệu đầu vào quan trọng này.

Hiện Công ty Điện Mitsubishi đang cân nhắc khả năng tái chế các kim loại đất hiếm trong ổ cứng máy tính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục