Nhật chia sẻ khả năng xây dựng xã hội cácbon thấp

Theo chuyên gia Nhật, xây dựng mô hình xã hội cácbon thấp sẽ là nền tảng cho tăng trưởng của các nước phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Khí tượng Thủy văn, Viện Năng lượng Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Môi trường quốc gia Nhật Bản tổ chức Hội thảo giới thiệu phương pháp tiếp cận dự án xây dựng cácbon thấp ở Việt Nam.

Dự án xây dựng xã hội cácbon thấp đã được khởi động từ năm 2004 tại thành phố Kyoto Nhật Bản, đến năm 2009 dự án này được mở rộng ra các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, sau đó là Indonesia, Singapore và Việt Nam với mục đích đánh giá các lựa chọn chính sách để ổn định khí hậu toàn cầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chia sẻ việc xây dựng xã hội cácbon thấp ở châu Á, bà Mikiko Kainuma thuộc Viện Nghiên cứu Môi trường quốc gia Nhật Bản cho rằng cần có các yếu tố nội tại và quốc tế có ảnh hưởng đến việc hiện thực hóa cácbon thấp; tích lũy và quan hệ của các yếu tố kiểm soát cácbon thấp bằng các mô hình, công cụ đa lớp, không gian và lượng hóa tích hợp; ứng dụng các mô hình công cụ lượng hóa cho các vùng khác nhau của châu Á; xem xét các thuộc tính đặc trưng đa dạng ở khu vực, xây dựng mô hình các xã hội cácbon thấp của châu Á tại từng khu vực bằng phương pháp dự báo có định hướng.

Như vậy, xây dựng mô hình xã hội cácbon thấp sẽ là nền tảng cho tăng trưởng của các nước phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu cho biết: Phát triển cácbon thấp mới được đề cập đến trong thời gian gần đây, song nhiều chính sách liên quan đến vấn đề này đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện, đó là một trong những động thái tích cực nhằm giảm lượng thải khí nhà kính tới mức tối đa.

Hiện Việt Nam đã xây dựng được 2 kịch bản phát thải với mức trung bình 432 triệu tấn CO2/năm hoặc 500 triệu tấn vào năm 2030.

Đây là tiền đề góp phần thành lập một khuôn khổ quốc tế công bằng và hiệu quả đối với tất cả các nền kinh tế và thỏa thuận về mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính, tới 2050 giảm 80% so với mức năm 1990.

Như vậy, cần phải thiết lập cơ chế buôn bán quyền phát thải trong nước, xem xét công thức xác định mức giới hạn phát thải khí nhà kính tuyệt đối với biện pháp thuế “xanh hóa” trong hệ thống thuế nói chung, bao gồm cả xem xét cơ chế thuế đối với các biện pháp giảm ấm lên toàn cầu được thực hiện từ năm 2011./.

Lý Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục