Nhật đề nghị Mỹ có vai trò lớn hơn trong đàm phán giải trừ hạt nhân

Ngay sau khi hội nghị đánh giá Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân (NPT) kết thúc trong sự chia rẽ, Nhật Bản đề nghị Mỹ thể hiện vai trò lớn hơn trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân.
Nhật đề nghị Mỹ có vai trò lớn hơn trong đàm phán giải trừ hạt nhân ảnh 1Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại hội nghị kiểm điểm thực hiện NPT. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngay sau khi hội nghị đánh giá Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân (NPT) của Liên hợp quốc kết thúc trong sự chia rẽ, Nhật Bản đề nghị Mỹ thể hiện vai trò lớn hơn trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân.

Giới chức Nhật Bản ngày 26/5 cho biết trong cuộc điện đàm kéo dài 35 phút, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã nhất trí về tầm quan trọng của cấm phổ biến hạt nhân, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực này.

Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Kerry cũng trao đổi với người đồng cấp về chuyến công du đến Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc gần đây. Ngoài việc hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và chống biến đối khí hậu, hai bên cũng đề cập về dự luật "Quyền thúc đẩy thương mại" (TPA) hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh.

Nhật Bản, Mỹ và 10 nước đối tác khác đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã phải hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng tới về vấn đề này. Tuần trước, một bộ trưởng Nhật Bản cho biết cuộc họp này chỉ được tiến hành sau khi Mỹ thông qua TPA.

Sau một tháng làm việc, Hội nghị kiểm điểm NPT đã kết thúc ngày 22/5 vừa qua mà không đạt được thỏa thuận cấm vũ khí hạt nhân tại Trung Đông. Ai Cập cáo buộc Mỹ, Anh và Canada đã cố tình phản đối đề xuất này.

Tháng trước, với sự ủng hộ của một số nước Arab, Cairo cũng đã đề xuất Liên hợp quốc tổ chức một hội nghị khu vực để bàn về lệnh cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Trung Đông. Ai Cập cho rằng hội nghị này có thể diễn ra dù Israel có tham dự hay không.

Liên hợp quốc cảnh báo những thách thức đối với tiến trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn còn tồn tại suốt 5 năm qua kể từ hội nghị về NPT lần gần đây nhất diễn ra hồi năm 2010.

Mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân đã bị cắt giảm đáng kể từ khi NPT có hiệu lực năm 1970, song điều này vẫn chưa đủ và các nước vẫn cần phải quyết tâm hơn nữa trong nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong suốt 5 năm qua, Mỹ và Nga là hai nước không đạt được nhiều bước tiến trong việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, trong khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn gây chia rẽ niềm tin giữa hai cường quốc này, khiến triển vọng về hợp tác trong tương lai giữa Washington và Moskva trở nên mờ mịt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục