Nhật dừng áp đặt một số biện pháp giới hạn chi tiêu bắt buộc

Nhật Bản đề xuất giới hạn mức tăng chi tiêu ngân sách xuống còn 1.600 tỷ yen (13 tỷ USD) cho ba tài khóa tới (tính tới hết 3/2019), đồng thời tuyên bố dừng áp đặt một số biện pháp giới hạn chi tiêu bắt buộc.
Nhật dừng áp đặt một số biện pháp giới hạn chi tiêu bắt buộc ảnh 1Hoạt động của tàu quốc tế tại cảng biển Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này sẽ thực hiện cách tiếp cận linh hoạt thay vì đặt ra giới hạn cứng nhắc đối với mức tăng chi tiêu hàng năm nhằm kiềm chế chi tiêu công giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba đang nỗ lực giảm bớt núi nợ công.

Trong bản kế hoạch chi tiết về chiến lược ngân sách trong những năm tới, vừa được công bố ngày 22/6, Chính phủ Nhật Bản đề xuất giới hạn mức tăng chi tiêu ngân sách xuống còn 1.600 tỷ yen (13 tỷ USD) cho ba tài khóa tới (tính tới hết tháng 3/2019), đồng thời tuyên bố dừng áp đặt một số biện pháp giới hạn chi tiêu bắt buộc.

Hội đồng Chính sách Tài chính và Kinh tế Nhật Bản, gồm các chuyên gia cố vấn kinh tế hàng đầu của Thủ tướng Shinzo Abe, cũng đã nhất trí với đề xuất này.

Tuy nhiên, việc loại bỏ các biện pháp giới hạn chi tiêu bắt buộc có thể làm dấy lên những lo ngại rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ chi tiêu mạnh tay hơn nếu tăng trưởng kinh tế nước này giảm tốc, qua đó lại khiến gánh nặng nợ công của Xứ sở hoa Anh đào thêm chồng chất.

Hiện nợ công của Nhật Bản đã "phình" to gấp hơn hai lần giá trị của nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ yen của nước này và là mức nợ công "khủng" nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng GDP thực tế ở mức trên 2% và GDP danh nghĩa ở mức 3%.

Các nhà chức trách Nhật Bản đang phân vân giữa việc dựa vào sức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn để cải thiện nguồn thu ngân sách, hay thực hiện các quy tắc tài chính khắc nghiệt hơn để giảm áp lực về nợ công.

Bản kế hoạch trên cũng đề cập tới mục tiêu cắt giảm thâm hụt cơ bản (không tính chi phí trả nợ) xuống mức 1% GDP vào tài khóa 2018. Ngoài ra, Chính phủ nước này còn kêu gọi giới hạn mức chi tiêu ngân sách cho các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội ở mức 1.500 tỷ yen trong ba năm tới.

Bản kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh nhu cầu tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chế tạo robot nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động và dân số già./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục