Nhật kêu gọi lập dự án kinh tế chung tại nhóm đảo tranh chấp với Nga

Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng Nhật Bản lên kế hoạch tiếp tục đàm phán với Nga về mục tiêu thiết lập một "hệ thống đặc biệt" để thực hiện các hoạt động kinh tế chung tại nhóm đảo tranh chấp.
Nhật kêu gọi lập dự án kinh tế chung tại nhóm đảo tranh chấp với Nga ảnh 1Một góc đảo Shikotan thuộc quần đảo Kuril. (Nguồn: Sputnik)

Theo TASS, ngày 23/1, trong phiên họp toàn thể của Hạ viện Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng Nhật Bản lên kế hoạch tiếp tục đàm phán với Nga về mục tiêu thiết lập một "hệ thống đặc biệt" để thực hiện các hoạt động kinh tế chung tại nhóm đảo tranh chấp gồm 4 hòn đảo Etorofu, Kunashiri, Shikotan và Habomai hiện do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril trong khi Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Ông Abe nêu rõ: "Như đối với hoạt động kinh tế chung với Nga tại 4 hòn đảo trên, chúng tôi kêu gọi tiếp tục đàm phán về vấn đề này và thiết lập các dự án kinh tế tại đó, vốn sẽ mang lại lợi ích cho hai bên."

Thủ tướng Nhật Bản cũng nói rằng Tokyo sẽ luôn trung thành với đường lối chính trị nhằm xem xét "giải quyết vấn đề lãnh thổ và ký một hiệp ước hòa bình với Nga như một phần trong cách tiếp cận mới đối với vấn đề này."

Trước đó, ngày 16/12, Nhật Bản và Nga đã nhất trí tiến hành đàm phán về các hoạt động chung trên các hòn đảo tranh chấp.

Theo tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Tokyo, hai nhà lãnh đạo đã đạt được sự hiểu biết chung cho rằng việc bắt đầu đàm phán về những hoạt động kinh tế chung của hai nước có thể là "bước tiến quan trọng" hướng tới việc ký kết một hiệp ước hòa bình.

Hai nhà lãnh đạo đều có cùng quan điểm cho rằng các hoạt động kinh tế chung sẽ không làm tổn hại lập trường của mỗi nước liên quan đến hiệp ước này.

Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập trực tiếp tới vấn đề chủ quyền của quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc. Nhật Bản cho rằng các hoạt động kinh tế chung trên 4 hòn đảo tranh chấp có thể được thực hiện miễn sao chúng không được tiến hành theo cách không công nhận chủ quyền của Nga trên các hòn đảo này.

Theo hai nhà lãnh đạo, vẫn còn khó khăn trong giải quyết bất đồng về vấn đề lãnh thổ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục