Nhật lo ngại bồi thường hạt nhân xuyên quốc gia

TEPCO lo phải gánh những khoản bồi thường khổng lồ khi thiệt hại do sự cố hạt nhân có chiều hướng vượt khỏi biên giới Nhật Bản.
Theo phóng viên Vietnam+ tại Nhật Bản, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đang lo ngại nguy cơ có thể phải gánh những khoản bồi thường khổng lồ khi thiệt hại do sự cố hạt nhân của nước này đang có chiều hướng vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Điều quan ngại lớn nhất hiện nay của TEPCO xuất phát từ lý do TEPCO chưa tham gia điều ước quốc tế, theo đó quy định mọi đơn kiện bồi thường thiệt hại nếu vượt ra khỏi biên giới quốc gia sẽ được giải quyết tại nơi xảy ra sự cố.

Điều đó có nghĩa là nếu có nguyên đơn mang yếu tố nước ngoài thì Nhật Bản sẽ không có thẩm quyền tài phán trong nước đối với những vụ tố tụng dân sự nêu trên.

Theo mạng tin Asahi Shimbun, việc chính quyền của Thủ tướng Naoto Kan đang gấp rút bàn thảo chính thức thể lệ tham gia điều ước này càng khiến dư luận Nhật Bản ngày càng quan ngại về nguy cơ trên.

Các điều ước quy định thụ lý đơn kiện bồi thường thiệt hại sự cố hạt nhân ở nước phát sinh sự cố bao gồm ba bộ, trong đó có “Điều ước liên quan đến trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại hạt nhân” (CSC) do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA xây dựng.

Trước đây, Mỹ từng thảo luận và yêu cầu Nhật Bản tham gia CSC song phía Tokyo quan ngại rằng sự cố xảy ra ở nước láng giềng mà bị hại là phía Nhật Bản thì công dân Nhật sẽ tham gia xét xử tại nước ngoài trong khi Nhật Bản lâu nay vẫn có niềm tin rằng sẽ không bao giờ xảy ra sự cố.

Do đó, khi nước nhiễm xạ từ Nhà máy điện Fukushima 1 đổ ra biển gây thiệt hại cho ngành ngư nghiệp của nước khác, đồng thời rác nhiễm xạ sau sóng thần trôi đến nước khác và người bị hại lên tiếng yêu cầu bồi thường, vụ việc chắc chắn sẽ được phân xử tại quốc gia mà nguyên đơn là công dân.

Tiêu chuẩn để tính toán mức tiền bồi thường ở các quốc gia này có thể sẽ rất lớn, vượt quá khả năng lo liệu của TEPCO và trở thành gánh nặng cho Nhật Bản trong những năm tới.

Trong thời gian đầu xảy ra sự cố, TEPCO đã thải nước nhiễm xạ ra biển khiến toàn bộ vùng biển phía Đông Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất phóng xạ.

Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản tối 27/5 thông báo đã phát hiện phóng xạ nồng độ cao tại khu vực trải dài 300km từ thành phố Kesennuma thuộc tỉnh Miyagi tới thành phố Choshi thuộc tỉnh Chiba.

Bộ trên cảnh báo rằng rò rỉ phóng xạ có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của hải sản, song không cung cấp số liệu cụ thể về mức độ phóng xạ được phát hiện.

Nguồn tin cho biết thêm họ cũng đã phát hiện chất iốt và xêđi ở đáy biển tại 12 vị trí cách bờ biển Nhật Bản từ 15-50km trong các ngày từ 9-14/5.

Thông tin trên được đăng tải ngay sau thông cáo của Nhóm hoạt động vì môi trường Greenpeace hôm 26/5 nói rằng họ đã kiểm tra hơn 20km dọc các vùng biển bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Fukushima và phát hiện mức phóng xạ vượt quá giới hạn cho phép.

Theo tổ chức Greenpeace, nồng độ phóng xạ trong tảo biển cao gấp 50 lần giới hạn cho phép, làm dấy lên những quan ngại rằng nước biển nhiễm phóng xạ sẽ gây nguy hại lâu dài đối với sức khỏe con người và môi trường.

Với quy mô nhiễm xạ môi trường biển ngày càng lan rộng, nguy cơ các vụ kiện liên quan đến việc đòi bồi thường do ảnh hưởng của sự cố điện hạt nhân đang ngày càng rõ ràng hơn.

Đối với Nhật Bản, điều ước CSC giờ đây là biện pháp tối quan trọng để giảm thiểu những thiệt hại lớn về kinh tế do những vụ kiện đeo đẳng trong một tương lai không xa./.

Cao Phong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục