Nhật-Nga nhất trí đàm phán về tranh chấp lãnh thổ

Thủ tướng Nhật và Tổng thống Nga nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
Theo Kyodo, ngày 18/6, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ lâu nay giữa hai nước, chuẩn bị cho chuyến thăm Mátxcơva trong mùa Hè này của Ngoại trưởng Koichiro Gemba.

Trả lời báo giới sau cuộc hội đàm song phương trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Los Cabos của Mexico, ông Noda nói: "Chúng tôi nhất trí tái khởi động các cuộc thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Tôi đã có một cuộc gặp rất đầm ấm với ông Putin. Tôi tin tưởng cuộc gặp này là bước đi đầu tiên để tôi tiến tới xây dựng lòng tin."

Một quan chức Nhật Bản cho biết căn cứ vào một loạt hiệp định, văn kiện song phương cũng như nguyên tắc luật pháp và công lý, hai bên cũng đã nhất trí chỉ đạo cho ngoại trưởng mỗi nước tiến hành đối thoại trong bầu không khí hòa bình.

Về phần mình, ông Putin nói với ông Noda rằng Nga sẵn sàng đối thoại về vấn đề lãnh thổ với Nhật Bản song từ chối tiết lộ thông tin chi tiết.

Trước đó, ngày 2/5, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu chính sách Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền Seiji Maehara đã hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại thủ đô Mátxcơva.

Trong cuộc hội đàm, ông Maehara đã nói rõ “cần phải giải quyết vấn đề lãnh thổ phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Kuril), ký kết hiệp ước hòa bình và thúc đẩy phát triển quan hệ song phương.”

Đáp lại, ông Lavrov bày tỏ hy vọng hai bên có thể hợp tác kinh tế tại các hòn đảo tranh chấp dựa trên tiền đề không làm phương hại đến quan điểm luật pháp của hai nước.

Trước đó, trả lời báo chí Nga, ông Maehara đã nhấn mạnh rằng “quan điểm bốn hòn đảo trên là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản không hề thay đổi, nhưng hai nước đã tiến hành đàm phán về quan điểm của nhau trong suốt 56 năm. Tôi không cho rằng việc lặp đi lặp lại như vậy là mang tính xây dựng,” qua đó thể hiện nhận thức cần có chính sách giải quyết mới.

Tuy nhiên, do dư luận trong nước phản đối mạnh mẽ ý tưởng chỉ trao trả hai hòn đảo, nên trong cuộc gặp này, ông Maehara đã không nhắc đến đề xuất cụ thể nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục