Nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Đo lường

Chiều 24/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến về dự án Luật Đo lường và nhất trí về sự cần thiết phải ban hành luật này.
Chiều 24/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội của tiếp tục phiên họp thứ 33, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Đo lường, chuẩn bị trình Quốc hội khóa XII, tại kỳ họp thứ 8.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Đo lường. Hoạt động đo lường giữ vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, ở Việt Nam hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường đã được xây dựng, hệ thống đo lường đã từng bước phát triển và hoạt động đo lường đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Song trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đất nước hiện nay, chính sách, pháp luật về đo lường, hệ thống đo lường và hoạt động đo lường đã bộc lộ một số bất cập.

Việc mở rộng quan hệ thương mại với các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng nên hoạt động đo lường có liên quan đến nhiều điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập...

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với nội dung Tờ trình của Chính phủ và ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật Đo lường nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước; bảo đảm hoạt động đo lường thống nhất và chính xác, góp phần bảo đảm công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự.

Việc ban hành luật này còn sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; bảo đảm an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng những quy định được đề ra trong dự thảo Luật nói chung đã đảm bảo sự tương thích với các quy định quốc tế về đo lường.

Các ý kiến đóng góp tập trung vào các điều khoản còn có ý kiến khác nhau như quy định về quản lý đo lường đối với hàng hóa đóng gói sẵn (Điều 24). Theo quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ, cần mở rộng những quy định về quản lý phép đo, hàng đóng gói sẵn và quy định thực hiện theo danh mục để đảm bảo với yêu cầu hội nhập và ngăn ngừa những vi phạm về đo lường trong mặt hàng này.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ-Môi trường của Quốc hội cho rằng quy định “giao cho Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ ban hành danh mục hàng đóng gói sẵn” là không phù hợp và gây khó dễ cho doanh nghiệp trong việc tự quyết định loại hàng đóng gói sẵn. Theo đó, chỉ nên quy định danh mục hàng đóng gói sẵn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ về đo lường.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ-Môi trường cũng đề nghị quy định rõ trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo hoặc làm rõ cơ quan nào có thẩm quyền quy định trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu chuẩn; cơ quan nào có thẩm quyền quy định sai số cho phép của phương tiện đo, phép đo, lượng hàng hóa đóng gói sẵn.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ-Môi trường  Đặng Vũ Minh cho rằng quy định người sử dụng phương tiện đo pháp định phải “tuân thủ yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, kinh nghiệm… theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường có thẩm quyền” như trong dự thảo sẽ khó khả thi đối với người sử dụng phương tiện đo lường trong mua, bán hàng hóa nhỏ lẻ.

Về việc kiểm tra, thanh tra đo lường, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng thanh tra thuộc trách nhiệm Nhà nước, còn kiểm tra là nhiệm vụ thường xuyên của người đứng đầu của mỗi đơn vị. Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn để phân biệt rõ thanh tra và kiểm tra, cân nhắc đặc thù của mỗi loại hình hoạt động này để quy định cho phù hợp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn dành nhiều thời gian thảo luận về Phạm vi điều chỉnh của luật; Chính sách Nhà nước về đo lường; Quy định về xử lý vi phạm trong luật...

Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung và chỉnh lý một số nội dung khác cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khiếu nại, tố cáo; hình sự và xử lý vi phạm hành chính./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục