Nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Tố cáo

Các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Tố cáo và các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật.
Sáng 15/9, tiếp tục phiên họp thứ 34, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo để chuẩn bị trình Quốc hội (khóa XII) lần đầu, tại kỳ họp thứ 8.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Tố cáo và các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Dự án Luật được chuẩn bị khá công phu, các tài liệu kèm theo tương đối đầy đủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, khảo sát, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các nhà khoa học, các chuyên gia; cố gắng tổng kết, đánh giá thực trạng tình hình, đưa được nhiều nội dung mới vào dự án Luật như các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tố cáo; thời hiệu xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo, bảo vệ người tố cáo…

Điều mà một số thành viên Ủy ban còn băn khoăn là về cơ bản, cơ chế giải quyết, từ khâu tiếp nhận, trình tự thủ tục xử lý, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ chế bảo vệ người tố cáo… vẫn là những cơ chế hiện hành. Do vậy những điều khoản, chế tài được đưa ra và sửa đổi sau quá trình thảo luận nói trên đã thực sự đáp ứng được các yêu cầu của công tác giải quyết tố cáo, có thể khắc phục được những hạn chế, nâng cao được hiệu quả của công tác giải quyết tố cáo hiện nay hay chưa.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tố cáo và giải quyết tố cáo là những vấn đề xã hội phức tạp nhưng rất quan trọng, bởi vì loại trừ yếu tố tiêu cực, lợi dụng và lạm dụng, thì tố cáo, giải quyết tố cáo phản ánh trình độ nhận thức, trách nhiệm công dân của đội ngũ cán bộ, công chức, cấp độ phát triển của bộ máy nhà nước, thước đo của nền dân chủ ở mỗi quốc gia.

Việc xây dựng Luật Tố cáo cần xuất phát từ yếu tố tích cực của việc tố cáo, đó là thông qua việc tố cáo giúp các cơ quan nhà nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần làm trong sạch bộ máy, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lành mạnh hóa nền công vụ quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động Nhà nước.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Tố cáo cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là đảm bảo cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả…

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về những điểm có nhiều ý kiến khác nhau, như về chủ thể tố cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-an ninh Lê Quang Bình cho rằng chủ thể tố cáo nên quy định là công dân, phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành và cũng phù hợp với quy định trong Bộ Luật Hình sự hiện hành là cá thể hóa trách nhiệm hình sự, không quy định tổ chức là chủ thể của tội phạm. Nếu trong trường hợp nhiều người tố cáo về một vấn đề thì có người đứng đầu đứng ra tố cáo. Việc tổ chức có quyền tố cáo hay không thì cần chờ sửa Hiến pháp chứ Luật không thể quy định khác với Hiến pháp…

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'so Phước, cần tính đến trường hợp công dân muốn tố cáo nhưng sợ bị trù dập thì có thể mượn đến một tổ chức như công đoàn đứng ra tố cáo. Tố cáo có thể là tổ chức nhưng người đứng ra ký đơn tố cáo đó phải chịu trách nhiệm về mặt luật pháp…

Về việc tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, nhiều thành viên Ủy ban tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 23 của dự thảo là “người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực nội dung tố cáo, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được” vì điều này góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng với những trường hợp không xưng danh nhưng có cơ sở chứng minh tố cáo là sự thật, thì cũng có thể chấp nhận. Bởi trong thực tế hiện nay là mặc dù Luật Khiếu nại Tố cáo hiện hành không công nhận hình thức tố cáo “nặc danh” nhưng hình thức tố cáo này vẫn diễn ra khá phổ biến.

Nguyên nhân của tình trạng này là do bản thân việc tố cáo vốn nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tố cáo, nhất là trong điều kiện các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo còn hạn chế.

Những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức nếu do những người công tác trong cùng cơ quan, đơn vị phát hiện, tố cáo thì do sợ bị trù úm, liên lụy nên người tố cáo không dám ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình.

Hơn nữa, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam vừa ký kết cũng có khuyến cáo các quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp thích hợp để công chúng có thể thông báo, kể cả hình thức nặc danh, về bất kỳ sự kiện nào có thể được coi là cấu thành một tội phạm được quy định theo Công ước.

Hiện tại, Nghị định 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng (khoản 2 điều 42) cũng đã quy định đối với những tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Văn Thuận, trách nhiệm xác minh việc tố cáo đúng hay sai là của các cơ quan có thẩm quyền, không nhất thiết người tố cáo phải nêu danh tính…

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo đã dành Chương V để quy định về việc bảo vệ bí mật, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, an toàn việc làm cho người tố cáo và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tố cáo. Đây là nội dung quan trọng, cần thiết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tố cáo.

Tuy nhiên, các thành viên cho rằng các quy định về bảo vệ người tố cáo như dự thảo luật vẫn còn chung chung, còn mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện và chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo để có thể thực hiện trên thực tiễn. Vì vậy cần nghiên cứu để quy định chi tiết hơn về việc bảo vệ người tố cáo.

Đồng thời cũng cần nghiên cứu để đề ra được những quy định, cơ chế, biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, bảo đảm khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dành nhiều thời gian thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật; Trách nhiệm của người tố cáo (Điều 14); Hình thức tố cáo (Điều 23); Thời hiệu xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo (Điều 26, Điều 42)…/.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục