Nhật-Ấn hội đàm thúc đẩy hợp tác an ninh, kinh tế

Thủ tướng Ấn Độ-Nhật Bản sẽ thảo luận kỹ về vấn đề giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu và kinh tế.
Ngày 27/12, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã lên đường đến Ấn Độ để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Manmohan Singh nhằm thúc đẩy sự hợp tác về an ninh và kinh tế giữa hai nước. Đây là chuyến thăm chính thức Ấn Độ đầu tiên của ông Hatoyama sau khi nhậm chức thủ tướng hồi tháng 9 vừa qua. Ông Hatoyama cũng là vị Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên tới thăm Ấn Độ trong vòng 25 năm qua. Phát biểu với báo giới trước chuyến đi, Thủ tướng Hatoyama cho biết ông muốn thảo luận kỹ với người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ về nhiều vấn đề, bao gồm giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu và kinh tế. Theo các quan chức Nhật Bản, ông Hatoyama có kế hoạch gặp ông Rajendra Pachauri, người đứng đầu Ủy ban các nhà khoa học về biến đổi khí hậu thuộc Liên hợp quốc, để trao đổi cách thức tạo đà cho nỗ lực ngăn chặn Trái Đất nóng lên, sau khi Hội nghị Copenhagen, Đan Mạch không đưa ra được thỏa thuận ràng buộc pháp lý thay thế Nghị định thư Kyoto về chống biến đổi khí hậu sẽ hết hiệu lực vào năm 2012. Sau nhiều năm thương lượng, Nhật Bản và Ấn Độ vẫn chưa đạt thỏa thuận về tự do hóa thương mại, do bất đồng về thuế quan và quy định nhập khẩu dược phẩm của Ấn Độ vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của Ấn Độ đang ngày càng thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh Tokyo muốn hướng vào xuất khẩu để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản và giữa lúc nhu cầu tiêu dùng ở Nhật Bản giảm mạnh. Đây là lần thứ hai ông Hatoyama và ông Singh gặp nhau kể từ sau các cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Thái Lan tháng 10 vừa qua. Tại cuộc gặp này, ông Singh tỏ ý muốn Nhật Bản chia sẻ công nghệ sản xuất năng lượng hạt nhân với Ấn Độ và ông Hatoyama đồng ý nghiên cứu khả năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.
Theo nhà nghiên cứu kinh tế Ấn Độ Pranab Dhal Samanta, trong tài khóa 2008/2009, đầu tư của Nhật Bản vào Ấn Độ đã đạt 809 tỷ yen, lần đầu tiên vượt mức đầu tư vào Trung Quốc. Trong cùng kỳ, Nhật Bản chỉ đầu tư vào Trung Quốc 679 tỷ yen.

Bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế trong nước, số lượng các công ty Nhật Bản đầu tư vào Ấn Độ vẫn tăng mạnh, lên hơn 2 lần, từ 267 công ty năm 2006 lên 627 công ty năm 2009. Trong năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 25% lên mức 13 tỷ USD.

Triển vọng quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản đầy hứa hẹn với việc Nhật Bản cam kết cho Ấn Độ vay 450 tỷ yen để thực hiện giai đoạn đầu của dự án phát triển hành lang vận chuyển hàng hóa chuyên dụng (DFC) ở miền Tây nước này.

Nhật Bản cũng đã đồng ý tham gia đấu thầu 5 hạng mục thuộc dự án xây dựng hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai, trong tương lai sẽ được liên kết với DFC.

Nhà nghiên cứu Pranab Dhal Samanta khẳng định rằng bất chấp lập trường cứng rắn trong lĩnh vực hợp tác hạt nhân với Ấn Độ, Tokyo sẽ không dao động trong việc tăng cường quan hệ đối tác kinh tế với New Delhi./.
/.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục