Nhật-Canada hướng tới đàm phán thương mại tự do

Canada và Nhật đang tìm kiếm các quan hệ kinh tế gắn bó hơn nhằm hướng tới các cuộc thương thuyết về thương mại tự do giữa 2 nước.
Theo báo Thư tín địa cầu ngày 4/7, Canada và Nhật Bản đang tiến hành bước đi đầu tiên hướng tới các cuộc thương thuyết về thương mại tự do, với việc các quan chức thuộc Ủy ban Kinh tế chung đã bắt đầu tại Ottawa hội nghị chính thức đầu tiên ngày 4/7 kể từ tuyên bố hồi tháng Ba rằng hai nước đang tìm kiếm các quan hệ kinh tế gắn bó hơn.

Chương trình của hội nghị hai ngày bao gồm các cuộc thảo luận, tập trung vào các nỗ lực tái thiết sau trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản, sự hợp tác song phương trong các lĩnh vực năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoa học và công nghệ.

Mặc dù Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội khoảng 6.000 tỷ USD, sáng kiến tự do thương mại Canada-Nhật Bản hầu như không được chú ý kể từ sau tuyên bố hồi tháng Ba vừa qua.

Những tin tức được chú ý là nỗ lực của Canada nhằm gia nhập các cuộc đàm phán về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) và cuộc thương thuyết FTA với Ấn Độ.

Nhưng đến cuối năm 2011, Ấn Độ vẫn là đối tác lớn nhất tại châu Á của Canada trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 8,4 tỷ USD.

Nhật Bản cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Canada. Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 của Canada sang Nhật Bản đạt 10,7 tỷ USD, chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên, hạt có dầu, gỗ và thịt, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản là 13 tỷ USD, chủ yếu là ôtô và máy móc.

Một nghiên cứu chung của hai nước ước tính rằng một hiệp định thương mại thành công có thể đóng góp cho nền kinh tế Canada khoảng 3,8 tỷ USD và tăng kim ngạch xuất khẩu thêm 2/3.

Các cuộc đàm phán FTA của Canada với Nhật Bản đang nhận được sự ủng hộ của một số nhóm công nghiệp chủ chốt, nhất là các tập đoàn nông nghiệp đang tìm cách mở rộng sang một thị trường béo bở, nhưng Công đoàn ngành ô tô Canada (CAW) đang cảnh báo rằng hiệp định này có thể làm hại nền kinh tế chung.

Chủ tịch CAW Ken Lewenza lưu ý rằng Canada đang nhập siêu ô tô của Nhật Bản tới 5 tỷ USD, mặc dù nước này không đánh thuế ôtô nhập khẩu.

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper đang ưu tiên mặt trận thương mại. Trong ngân sách, chính phủ đã xác định thương mại là một cột trụ chính của nền kinh tế trong tương lai và cam kết tích cực theo đuổi "các cơ hội thương mại và đầu tư mới, nhất là với các nền kinh tế năng động và tăng trưởng nhanh."

Với TPP và giờ đây là Nhật Bản, Ottawa hiện có bốn cuộc đàm phán thương mại lớn đang đồng thời được tiến hành, với Trung Quốc dự kiến trở thành đối tác đàm phán lớn thứ 5.

Canada đang xác định những ngành chủ chốt mà họ tin rằng có thể được lợi từ một hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, gồm nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, công nghệ thông tin và liên lạc, hàng không vũ trụ, các ngành công nghiệp môi trường và công nghệ sạch, năng lượng, khai mỏ, lâm nghiệp và khoa học đời sống.

Các quan chức ước tính các cuộc đàm phán có thể kéo dài hai năm./.

Thanh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục